Thời gian qua, nhờ quyết liệt thực hiện chuyển đổi số (CĐS) nên có những thời điểm dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu giảm sâu nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động trên Giàn điều khiển trung tâm Mỏ Sao Vàng. |
Quản trị, kiểm soát nội bộ hiệu quả nhờ CĐS
Một trong những đơn vị đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác CĐS là Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS).
Đầu tháng 8/2022, hồ sơ ký số thứ 110 ngàn đã được ký trong hệ thống chữ ký số của PV GAS (tương ứng với khoảng 450 ngàn lượt ký). Đây là cột mốc quan trọng của Tổng Công ty trong thực hiện CĐS, góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian xử lý văn bản, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại PV GAS có 185 văn bản được ký số với khoảng 670 lượt ký.
Năm 2015, PV GAS đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) - nhà thầu tư vấn quốc tế với năng lực và kinh nghiệm tư vấn triển khai nhiều dự án phần mềm ERP trong và ngoài nước để thực hiện khảo sát và đánh giá khả thi dự án triển khai phần mềm ERP tại PV GAS. Đến tháng 10/2016, PV GAS kết thúc hợp đồng với EY và trên cơ sở bản báo cáo đánh giá đã hoàn thiện, PV GAS thực hiện tái cấu trúc và ứng dụng CNTT để làm nền tảng chuẩn bị cho việc triển khai ERP trong giai đoạn tiếp theo.
Từ năm 2016 đến năm 2021, PV GAS đã thực hiện công tác tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức, nghiệp vụ, quy trình tại các ban/đơn vị thuộc PV GAS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng các phần mềm theo nhu cầu cụ thể của sản xuất kinh doanh và quản lý nội bộ để cải thiện hiệu quả tức thời, chuẩn hóa dần các nghiệp vụ và thay đổi cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn áp dụng phần mềm ERP.
Lãnh đạo PV GAS cho biết, nhận thức vai trò quan trọng của CĐS, PV GAS luôn quan tâm đầu tư, thúc đẩy triển khai trong DN, từng bước số hóa các quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, quy trình quản trị,… để tiết giảm thời gian, chi phí, gia tăng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng, đối tác, đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Trong định hướng chiến lược, PV GAS xác định sẽ thực hiện triển khai CĐS cho các lĩnh vực cần thiết theo lộ trình, phù hợp với nhu cầu, bối cảnh hoạt động của PV GAS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; phù hợp các thách thức vĩ mô như là xu hướng giảm năng lượng hóa thạch và dịch chuyển sang năng lượng xanh.
Trong khi đó, tại Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), Ban lãnh đạo công ty đã sớm thấy được tầm quan trọng của CĐS trong quá trình phát triển của DN, đặc biệt là, đối với đơn vị hoạt động ở lĩnh vực khai thác dầu khí đặc thù, áp dụng công nghệ cao. Từ năm 2019, BIENDONG POC đã thành lập nhóm triển khai công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI), nâng cao hiệu quả các mảng vận hành kỹ thuật, khoan và hoàn thiện giếng, tìm kiếm thăm dò - công nghệ mỏ. Việc tiên phong trong CĐS, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 và AI đã giúp BIENDONG POC làm tốt công tác quản trị và kiểm soát nội bộ, giảm giá thành khai thác, vượt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và giao nộp tài chính hàng năm.
9 tháng năm 2022, khai thác dầu thô Petrovietnam đạt 8,15 triệu tấn, bằng 93% kế hoạch năm; sản xuất đạm tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021; sản xuất xăng dầu tăng 8%; sản xuất khí, điện và các sản phẩm khác đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường.
Các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam hoàn thành vượt mức cao so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 698,3 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách 102,9 ngàn tỷ đồng, tăng 51%, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách cả nước.
Đến hết 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức, về đích trước 4 chỉ tiêu: doanh thu toàn Tập đoàn, doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất và nộp ngân sách Nhà nước.
|
Ưu tiên tập trung nâng cao hiệu quả quản trị DN
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, CĐS có ý nghĩa chiến lược đối với bất kỳ DN nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh. Do đó, ngay từ năm 2019, Petrovietnam đã thành lập Ban chỉ đạo về CĐS, sau đó là lựa chọn và thuê các đơn vị tư vấn để xây dựng tầm nhìn và chiến lược CĐS trong toàn Petrovietnam.
Hiện nay, Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng chiến lược CĐS cùng phê duyệt lộ trình giai đoạn 2022-2026. Về mặt tổ chức, Petrovietnam đã xây dựng, hình thành những cơ quan, bộ phận thường trực, bộ máy CĐS ở Petrovietnam và các đơn vị thành viên; đã số hóa được toàn bộ hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu; ứng dụng AI vào tối ưu hệ thống quản trị, phân tích dữ liệu. Ví dụ như phân tích dữ liệu địa chất, thạch học, từ đó đưa vào khoan thăm dò, khoan tận thăm dò, tận khai thác... cũng như quá trình lập kế hoạch, quản lý vận hành và bảo dưỡng các nhà máy công nghiệp. Đó là những thành quả lớn trong CĐS của Petrovietnam tính đến thời điểm hiện tại.
Trong giai đoạn tiếp theo, Petrovietnam cho biết sẽ ưu tiên tập trung nâng cao hiệu quả quản trị DN, tinh gọn và gia tăng tính linh hoạt của tổ chức, gia tăng sự gắn kết trong cán bộ nhân viên và khả năng phối hợp giữa các bộ phận trong tập đoàn, giảm giá thành, chi phí. Petrovietnam cũng đặt mục tiêu phát triển theo hướng bền vững (tiết kiệm nguyên vật liệu, vật tư, năng lượng và giảm ô nhiễm), thúc đẩy học hỏi, sáng tạo, đổi thay cách nghĩ và mô hình kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng trên tất cả các chỉ tiêu về doanh số, thị trường, sản phẩm dịch vụ mới.
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN