Chọn nhà đầu tư có tầm vóc và năng lực
Đó là quan điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về đầu tư triển khai dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh trao đổi với đơn vị tư vấn về thực trạng khu vực Cái Mép Hạ qua quan sát hình ảnh truyền từ flycam trong chuyến khảo sát với Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang tháng 2/2022. |
Yêu cầu rất cấp thiết
Phát biểu tại hội thảo góp ý phương án đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ ngày 1/10, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị tư vấn dự án cho biết, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đang gặp phải các thách thức quan trọng cần được giải quyết để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm hàng hải với cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Nơi đây đang thiếu khu vực logistics sau cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ. Hiện phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn đang thực hiện các công đoạn khai thác như đóng container, kiểm định, khai quan... tại ICD (cảng cạn) ở các tỉnh khác, sau đó vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại khu vực CM-TV.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án quan trọng cấp quốc gia, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022. Trung tâm này khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông, từ đường bộ, đường biển, đường sắt cho đến hàng không; giữ vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới, là nơi tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa phục vụ các KCN lân cận, cụm cảng CM-TV nói riêng, cảng Vũng Tàu và cả khu vực cảng biển Đông Nam Bộ nói chung.
Trung tâm có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ. Đồng thời, gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch; khu tài chính ngân hàng; cơ sở đào tạo logistics; khu nhà hàng khách sạn; khu thương mại tự do; khu dịch nhà công vụ, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân...
|
Đối chuẩn với thế giới cho thấy, một trung tâm logistics sau cảng quy mô lớn là yêu cầu rất quan trọng mà bất kỳ trung cảng quốc tế hàng đầu thế giới cần quy hoạch và xây dựng. Ví dụ, cảng Busan, Hàn Quốc đã quy hoạch tổng diện tích khu trung tâm logistics lên tới gần 700ha cho khu cảng mới Busan, với mục tiêu khai thác khoảng 32 triệu TEU đến năm 2030.
Với công suất tại CM-TV dự kiến đạt 12,8 triệu TEU vào năm 2030 và trên 34,5-41,4 triệu TEU, giai đoạn 2030-2050. Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là yêu cầu rất cấp thiết để đáp ứng nhu cầu xử lý hàng hóa cho cụm cảng. Theo đó, với sản lượng dự báo 12,8 triệu TEU năm 2030, trong giai đoạn 1, khu vực CM-TV cần Trung tâm logistics khoảng 250 ha. Giai đoạn 2030-2050, với dự báo lượng hàng trên 34,5-41,4 triệu TEU, Trung tâm logistics sẽ cần có diện tích từ 755-905ha.
Mắt xích quan trọng hình thành nền kinh tế hàng hải
Phối cảnh toàn bộ Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. |
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đưa ra hình thức đầu tư theo hai phương án đấu giá, chọn một nhà đầu tư duy nhất hoặc nhiều nhà đầu tư; phân kỳ đầu tư cảng. Theo đó, Portcoast đề xuất, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 891,17ha; giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ Hạ lưu với diện tích hơn 594,3ha. Tổng mức đầu tư dự án 154.391 tỷ đồng.
Về những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án, ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, dự án quá lớn, phục vụ không chỉ riêng cho giai đoạn này mà cho vài chục năm sau. Như vậy, quyết định đầu tư cho dự án là rất quan trọng, nếu “khơi thông” được tất cả các mặt thì không những có tác động rất lớn cho phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn nguyên cả khu vực Đông Nam Bộ.
“Rất nhiều thử thách, kinh phí rất lớn, 90% vốn có thể kêu gọi từ nước ngoài. Phần quy hoạch phải rất rõ ràng, trong đó cần nêu rõ có xây dựng đường sắt hay không, khi nào thì có, đi đến đâu, hay là những hệ thống hạ tầng khác được phục vụ thế nào? Trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm sao cho quyền lợi các bên được hài hòa. Đó là những vấn đề lớn mà dự án cần xem xét, đặc biệt là vai trò của Bộ GT-VT, làm sao để có sự thống nhất cao”, ông Lân nhấn mạnh.
Từ góc nhìn của DN, Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, những dự án lớn như này thì các nhà đầu tư cũng cần biết các trình tự, thủ tục. Tân Cảng đề xuất cần lựa chọn đánh giá năng lực các nhà đầu tư trước, sau đó áp dụng hình thức đấu thầu. Tỉnh và các bộ, ngành cần ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư trong nước, liên danh với nhau. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải chứng minh được uy tín và năng lực trong thị trường khai thác cảng và logistics.
Thực trạng khu bến Cái Mép Hạ nhìn từ trên cao. |
Ngoài ra, việc xây dựng Trung tâm logistics sẽ giúp hoàn thiện mắt xích quan trọng để hình thành nền kinh tế hàng hải, đồng thời tạo lập hệ sinh thái hoàn chỉnh. Trong đó, bên cạnh cảng biển quốc tế, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ là nền tảng để các dịch vụ hỗ trợ hàng hải, dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển đa phương thức và các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng cùng thương mại quốc tế phát triển tại khu vực CM-TV.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo UBND tỉnh, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT khẳng định, quan điểm của tỉnh là lựa chọn nhà đầu tư có tầm vóc, năng lực và kinh nghiệm đầu tư dự án. Tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư đa dạng, không chỉ trong một lĩnh vực, có thể liên danh, tổ hợp các nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Sau hội thảo, Sở GT-VT sẽ báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm thống nhất hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để nhanh chóng phê duyệt được chủ trương đầu tư, sớm lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN