Lập hàng rào phản vệ cao nhất cho các KCN

Thứ Sáu, 16/07/2021, 21:44 [GMT+7]
In bài này
.

Các KCN, CCN, nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm yêu cầu 5K đối với từng cá nhân; siết chặt công tác kiểm soát, khai báo y tế bắt buộc ngay từ khâu tiếp đón người ra-vào, kể cả người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn công nghiệp. Các KCN cũng cần chuẩn bị sẵn sàng kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương có KCN, CCN.

Công nhân Công ty TNHH Thép SMC lắp ráp quạt điện phục vụ cho người lao động lưu trú tại chỗ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Công nhân Công ty TNHH Thép SMC lắp ráp quạt điện phục vụ cho người lao động lưu trú tại chỗ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

PHÒNG CHỐNG DỊCH CẤP ĐỘ CAO

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa-Phương Đông-chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1 (huyện Đất Đỏ) cho biết, đến thời điểm hiện tại, KCN Đất Đỏ 1 chưa có trường hợp nào nghi nhiễm, không có trường hợp nào là F1, F2. Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ an toàn phòng chống dịch COVID-19, lập Trạm kiểm soát khai báo y tế tại KCN và triển khai cho tất cả CBNV công ty cài đặt phần mềm Bluezone, khai báo y tế bằng mã QR Code hàng ngày. Đồng thời, sắp xếp cho CBCNV làm việc 50% tại văn phòng, 50% làm việc online tại nhà. Đối với các DN hoạt động trong KCN, công ty phối hợp với UBND, Công an xã Phước Long Thọ triển khai Trạm khai báo y tế ngay lối vào KCN để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào KCN kể từ ngày 13/7, cập nhật danh sách người lao động tại các DN, đơn vị thi công trong KCN để tiện theo dõi, truy vết khi cần thiết.

Thông tin thêm về tình hình phòng, chống dịch tại các DN trên địa bàn huyện Đất Đỏ, ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, trên địa bàn huyện có 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động ngoài KCN, CCN với tổng số 2.000 lao động; KCN Đất Đỏ 1 và CCN chế biến hải sản Lộc An  có 1.728 lao động. Trong đó, KCN Đất Đỏ 1 có 7 công ty đang hoạt động, với tổng số 1.105 lao động. Về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài KCN, CCN được các DN triển khai đồng bộ và tính đến nay vẫn giữ vững được việc vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất.

ÔNG NGUYỄN CÔNG VINH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
An toàn cho KCN, CCN là chốt chặn quan trọng tránh đứt gãy nền kinh tế
Các KCN, CCN nắm giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của địa phương. Giữ an toàn, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh cho các DN trong KCN nói riêng, cộng đồng DN nói chung cũng là bảo đảm cho nền kinh tế không bị đứt gãy. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết hơn của các cấp chính quyền, của Ban QL các KCN, bản thân các DN cần chủ động có kế hoạch, phương án quản lý, kiểm soát chặt các nguồn lây tại DN; phối hợp với địa phương cung cấp số xe, loại hàng hóa, tên người vận chuyển, lộ trình di chuyển để được xem xét cấp mã nhận diện cho phương tiện vận tải khi lưu thông qua chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động tại các KCN, khi có phân bổ về các đối tượng tiêm chủng tiếp theo, tỉnh sẽ thông báo để các DN chủ động cho người lao động tiêm chủng trong thời gian tới. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích DN chủ động test nhanh cho người lao động nhằm bảo đảm sức khỏe cho công nhân, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm và bảo đảm hoạt động sản xuất cho DN.

TX. Phú Mỹ-địa bàn có 9 KCN với 293 DN đang hoạt động, 44.524 người lao động, cộng với 2.972 DN ngoài hàng rào KCN, với 35.120 người lao động-thời gian qua địa phương này đang triển khai phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất. Tính đến nay, toàn TX. Phú Mỹ có 214 DN đã thành lập được 1.070 “tổ an toàn COVID-19”, mỗi DN có 4-5 tổ an toàn. Các DN đều đã triển khai đến người lao động sử dụng cài đặt Bluezone, khai báo y tế qua mã QR (tỷ lệ 80%). Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình-Phú Mỹ (chủ đầu tư hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho biết, KCN Phú Mỹ 3 hiện có 22 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động với 4.800 người lao động, trong đó có 145 chuyên gia nước ngoài. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công ty đã yêu cầu các DN thực hiện nghiêm việc đưa, đón bằng xe hợp đồng hoặc xe của công ty đưa rước; thực hiện cách ly các chuyên gia, lao động kỹ thuật, các nhà quản lý trở về từ vùng dịch. Đồng thời, hướng dẫn các DN thực hiện giãn cách công nhân; chia ca làm việc; yêu cầu người lao động đeo khẩu trang 100% trong suốt giờ làm việc, nếu phát hiện mở khẩu trang sẽ xử phạt; thực hiện mở cửa không sử dụng máy lạnh từ 6 đến 9 giờ sáng hàng ngày…

Ông Phan Lê Hân, Phó Trưởng Phòng quản lý DN (Ban Quản lý các KCN) cho biết, tại thời điểm này tại các KCN chưa xảy ra trường hợp dương tính với dịch COVID-19. Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCN cũng như các cơ quan chức năng đã hướng dẫn các DN, chủ đầu tư hạ tầng các KCN trong trường hợp phát hiện ca bệnh COVID-19 thì cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch bệnh; quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN hoặc từng phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0). Đồng thời cách ly trường hợp F0 tại chỗ tại DN, KCN và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định; thông báo đến người lao động toàn công ty về ca dương tính COVID-19 (dừng công việc, ở nguyên vị trí, giữ khoảng cách, thông tin ca bệnh, phổ biến các công việc sẽ tiến hành, khuyến cáo người lao động trung thực trong khai báo). Quản lý phân xưởng cung cấp về danh sách tiếp xúc F1 và danh sách người lao động tại công ty; chuyển những người tiếp xúc gần nguy cơ cao (F1) về khu cách ly tại đại phương; lập danh sách những công nhân cùng làm nhưng hiện không có mặt tại công ty để chuyển về các tỉnh thành, huyện để chỉ định cách ly và xét nghiệm theo đối tượng F1.

Còn tại huyện Châu Đức, ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 17 DN thuộc 2 KCN Sonadezi Châu Đức và KCN Đá Bạc với tổng số 6.700 lao động. Thời gian qua, các KCN, DN trên địa bàn huyện Châu Đức đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo không bị đứt gãy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Huyện cũng đã có kế hoạch thành lập 2 tổ công tác phòng, chống dịch và thường xuyên đến các KCN, DN kiểm tra đột xuất. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, DN đã thành lập các tổ y tế và thực hiện các giải pháp 5K tương đối tốt”, ông Quyền cho biết thêm.

Công nhân Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam CJ tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch trong giờ lao động.
Công nhân Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam CJ tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch trong giờ lao động.

SẴN SÀNG CÁC PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ

Theo báo cáo của Ban Quản lý  (BQL) các KCN, hiện đã có 56 DN tại các KCN gửi phương án bố trí “3 tại chỗ” cho 5.763 lao động tạm lưu trú tại công ty để BQL các KCN thẩm định. Trong  số này, hơn 30% DN đã được BQL các KCN đánh giá, thẩm định, đáp ứng yêu cầu và chấp thuận cho triển khai mô hình “3 tại chỗ”. Số còn lại vẫn đang được Ban tiến hành kiểm tra và hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, phương án này chỉ phù hợp với các DN có số lao động dưới 1.000 người, còn với DN quy mô lớn, công nhân lên đến vài  ngàn hoặc hàng chục ngàn người thì rất khó triển khai, vì không đủ không gian để lập các khu lưu trú tạm thời.

Trong quá trình triển khai, một số DN cũng gặp khó khăn, lúng túng. Bà Lâm Thị Phương Trang, Trưởng phòng đầu tư Công ty CP đầu tư xây dựng dầu khí IDICO (chủ đầu tư KCN Mỹ Xuân B1-Conac, TX. Phú Mỹ) đề xuất, tỉnh cần bổ sung địa điểm, phương tiện test nhanh COVID-19 cho người lao động; có phương án cho xe chở vật liệu phục vụ công tác sản xuất kinh doanh cho các DN lưu thông; hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN thực hiện phương châm 4 tại chỗ; phân bổ vắc xin cho người lao động, đặc biệt là lực lượng nòng cốt trong DN, các chuyên gia nước ngoài để họ yên tâm làm việc.

Bộ phận hành chính Công ty TNHH Liên doanh ống thép Sendo chuẩn bị  nhu yếu phẩm cho NLĐ khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Bộ phận hành chính Công ty TNHH Liên doanh ống thép Sendo chuẩn bị nhu yếu phẩm cho NLĐ khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Các DN cũng kiến nghị tỉnh có các phương án hỗ trợ DN nếu bắt buộc phải tổ chức thực hiện “cắm chốt” trong nhà máy. “Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp, các KCN có nguy cơ lây nhiễm cao buộc phải phong tỏa cắm trại toàn bộ tại các nhà máy, Công ty CP Thanh Bình-Phú Mỹ kiến nghị tỉnh có phương án hỗ trợ cung cấp nguồn lương thực thực phẩm”, ông Tạ Quốc Bảo nói.

 NHÓM PV KINH TẾ

 
;
.