“Giảm khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, tăng cường nuôi trồng thủy sản (nuôi biển), tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản” là những ý kiến được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đưa ra Hội nghị trực tuyến về Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2021 với 28 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc vào sáng 10/6.
Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thủy sản là một trong những nội dung được đưa ra tại hội nghị. Trong ảnh: Một phần vùng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vùng Tàu). |
NGÀNH THỦY SẢN TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới.
Trước thực trạng khó khăn của ngành thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở NN-PTNT cũng đã có kiến nghị, đề xuất Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với các DN, cơ sở (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè) để DN, cơ sở có nguồn vốn phục vụ tái sản xuất, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời cơ cấu lại thời gian giãn nợ cho các cơ sở có vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đề xuất hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử, giúp các DN bán hàng lâu dài, hỗ trợ chính sách về truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng hàng hóa. |
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước không ngừng tăng. Năm 2020, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3,4 tỷ USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, một số mặt hàng giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: tôm, cá biển, cua, ghẹ, mực... Riêng quý I/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,68 tỷ USD, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại BR-VT, trong 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành ngư nghiệp đạt hơn 3.763 tỷ đồng, tăng 3,40% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị khai thác thủy sản đạt hơn 3.344 tỷ đồng, tăng 3,19%; giá trị nuôi trồng đạt hơn 419 tỷ đồng, tăng 5,10%. Toàn tỉnh hiện có 129 DN và 290 cơ sở chế biến thủy sản, với năng lực chế biến đạt trên 250.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó, có 53 nhà máy chế biến đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 300 triệu USD/năm. Tỷ trọng các mặt hàng chế biến tinh trong xuất khẩu tăng hàng năm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 việc tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) thu hoạch hải sản. |
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG HẠ TẦNG THỦY SẢN
Tại hội nghị, các vấn đề về công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, công tác tổ chức sản xuất, khai thác thủy sản… tiếp tục được các địa phương thảo luận, đưa ra giải pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, ngành thủy sản cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và giá trị nâng cao.
Đưa ra giải pháp cho ngành thủy sản trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, song song với việc thúc đẩy thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng đánh bắt, ngành thủy sản cũng có những chiến lược đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Từ đó có thể sắp xếp, chuyển đổi, ưu tiên cho lĩnh vực hậu cần thủy sản.
Các địa phương cũng cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, có chính sách hỗ trợ đầu tư, nâng cấp phương tiện và trang thiết bị, công nghệ bảo quản thủy sản sau khai thác trên tàu cá, nhằm giảm tổn thất sau đánh bắt nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm khai thác.
Ngành thủy sản cần tăng cường công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị. Trong ảnh: Thu hoạch tôm công nghệ cao tại xã An Ngãi (huyện Long Điền). |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của IUU. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác, quản lý tàu cá, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá. Để khai thác nguồn lợi hải sản bền vững, Thứ trưởng cho rằng, nếu không làm tốt bảo tồn sẽ không có nguồn lợi phát triển bền vững, bảo đảm giá trị tăng trưởng bền vững và phục vụ xuất khẩu. Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện đồng bộ 3 trụ cột gồm: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến. “Bộ NN-PTNT đã gửi Bộ KH-ĐT xem xét trình Quốc hội khóa XV về Nghị quyết về nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giải đoạn 2021-2025. Bộ này cũng đã có đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản. Như vậy, các nguồn vốn nếu được thực thi, hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ có những hạ tầng cơ sở đảm bảo được phát triển thủy sản một cách bền vững.” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU