Với mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đồng thời để các công trình dầu khí ngoài khơi cũng như trong bờ không bị dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong thời gian công tác phòng, chống dịch COVID-19 luôn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chú trọng, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị.
Kỹ sư, công nhân PV Gas trong giờ sản xuất. |
Ngày 1/6/2021, PVN tiếp tục ban hành Chỉ thị số 3031/CT-DKVN về triển khai công tác phòng, chống trong tình hình bùng phát dịch bệnh COVID-19. Trong đó, PVN yêu cầu các đơn vị thành viên kịp thời cập nhật, tuân thủ các chỉ đạo, điều hành mới nhất của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Cơ quan y tế địa phương và của Tập đoàn. Ngoài ra, PVN cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần chủ động rà soát, kích hoạt các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của đơn vị mình lên mức cao nhất; bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó phòng, chống dịch bệnh. Đối với các nhà máy, xí nghiệp, công trình dầu khí trên bờ, cần triển khai ngay việc bố trí ca kíp cho lực lượng vận hành, các nhân sự chủ chốt của đơn vị cách biệt với nguồn lây nhiễm nhằm bảo đảm hoạt động liên tục cho các công trình.
Thực hiện chỉ đạo của các cấp về phòng, chống dịch ở giai đoạn cao điểm, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã khẩn trương triển khai kế hoạch thích ứng, rà soát - tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 nghiêm ngặt. Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV Gas cho biết: Từ đầu tuần nay, PV Gas đã kích hoạt việc làm việc tại nhà. Theo đó, các đơn vị PV GAS đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bố trí 30% CBCNV của đơn vị làm việc tại văn phòng, 70% CBCNV làm việc từ xa tại nhà. Phương án làm việc từ xa của đơn vị được báo cáo và thống nhất trong toàn Tổng Công ty để việc liên hệ phối hợp không bị đứt đoạn. Đối với Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam và một số trung tâm điều hành khí cơ sở (như trụ sở tại Chi nhánh Khí Hải Phòng, tiếp theo là BR-VT, Cà Mau…), PV GAS kích hoạt theo phương án làm việc tại Zone 0 - Vùng an toàn cao với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các đơn vị tại các tỉnh, thành khác (ngoài TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục thực hiện phương án làm việc 50% CBCNV trực cơ quan và 50% CBCNV làm việc từ xa tại nhà. Tất cả các CBCNV của PV GAS phải cài đặt và khai báo y tế trên phần mềm NCOVI.
Công tác ứng phó dịch COVID-19 trong đợt bùng phát thứ 4 này cũng được Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) triển khai quyết liệt. PVEP dừng tổ chức các sự kiện đã có kế hoạch, thực hiện làm việc trực tuyến với tỷ lệ 50% CBNV. Đối với những cán bộ biệt phái tại các dự án nước ngoài, do không thể thực hiện đổi ca trong giai đoạn này nên PVEP đã triển khai gói dịch vụ tư vấn/hỗ trợ y tế và an ninh an toàn (S.O.S) cho họ.
Theo đánh giá của PVN, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nên đến thời điểm này, tại các đơn vị trực thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn an toàn ổn định. Đặc biệt, có nhiều đơn vị đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, tại PVEP, tính đến đầu tháng 6, tổng sản lượng khai thác đạt 1,49 triệu tấn quy dầu, đạt 105% kế hoạch… Còn tại PVTrans, tính đến đầu tháng 5/2021, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 320 tỷ đồng, tương đương 64% kế hoạch năm, đạt 199% so với cùng kỳ năm ngoái; nộp ngân sách Nhà nước lũy kế đạt 79,7 tỷ đồng tương đương 76% kế hoạch năm, đạt 110% so với cùng kỳ năm ngoái…. |
Trong khi đó, tại Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) do đặc thù là có đội tàu 32 chiếc đang hoạt động trên khắp các biển, nên nguy cơ nhiễm dịch cao. Do đó, PV Trans thành lập Ban chỉ đạo thường trực phòng chống dịch COVID-19; tổ chức trực 24/24 giờ, bảo đảm liên lạc thông suốt và cập nhật liên tục, báo cáo khẩn cấp kịp thời khi có ca nhiễm. Công ty cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo tình hình cụ thể. Đồng thời, hướng dẫn thuyền viên thực hiện các quy trình an toàn mà công ty đã soạn thảo và gửi xuống tàu liên quan tới việc phòng ngừa dịch COVID-19. Trang bị đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cho văn phòng và đội tàu: thiết bị phun sương dung dịch, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang y tế, mặt nạ phòng dịch, nước rửa tay, thiết bị đo thân nhiệt cầm tay, găng tay y tế... Trang bị đầy đủ bộ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch COVID-19 cho thuyền viên thay nghỉ ca, cán bộ công ty và các bên đối tác khi xuống tàu làm việc. Các tàu được bố trí 1 phòng riêng biệt để đón tiếp khách lên tàu làm việc, phòng này phải được khử khuẩn ngay sau khi khách rời tàu. Các đối tác khi xuống tàu làm việc được yêu cầu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch cũng như test COVID-19 trước khi xuống tàu. Yêu cầu tàu thực hiện đo thân nhiệt của thuyền viên 2 lần/ngày và báo cáo tình hình sức khỏe hàng ngày của thuyền viên trên tàu về công ty. Đối với các tàu từ nước ngoài về Việt Nam thì thuyền viên được test COVID-19 trước khi xuống tàu làm việc.
Bài, ảnh: PHAN HÀ