Vinh danh những "Người thợ trẻ giỏi"
Mới đây, tại lễ tuyên dương 63 “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần XI năm 2020, diễn ra tại tỉnh Đồng Nai do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có 13 gương mặt được xướng tên. Đây là những cán bộ, kỹ sư, công nhân trẻ đã có nhiều sáng kiến, sáng chế đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua lao động, góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và sự phát triển chung của PVN.
Các đoàn viên ngành dầu khí tham gia lễ tuyên dương. |
SÁNG KIẾN GIÚP CÔNG VIỆC HIỆU QUẢ
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông TP. Hồ Chí Minh, Đỗ Phi Long (SN 1990) về đầu quân cho Xí nghiệp địa Vật lý Giếng khoan, thuộc Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro với chức danh kỹ sư hiệu chỉnh. Mặc dù thời gian làm việc tại đây chưa dài nhưng kỹ sư Đỗ Phi Long đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Huy chương Bạc tay nghề giỏi Vietsovpetro năm 2015 và 2019; Huy chương vàng Hội thi tay nghề giỏi dầu khí 2019; Giải nhất Hội thi sáng tạo KHKT tỉnh 2019. Nhiều sáng kiến của Long đã mang lại hiệu quả cao cho đơn vị trong việc tiết giảm chi phí, thời gian và sức lao động.
Một trong những sáng kiến mà Long tâm đắc nhất là “Thiết kế và chế tạo hệ thống máy đo khuyết tật ống chống giếng khoan bằng hệ đa cảm biến LVDT đo bán kính từ phía trong theo 40 và 60 sector”. Long cho biết: Với các giếng khoan dầu khí, việc chống ống và bơm trám xi măng vào khoảng trống giữa ống chống và thành hệ rất quan trọng. Điều này giữ cho thành giếng khoan ổn định, không bị sập lở, bóp méo trong khi khoan và khai thác... Trong quá trình sử dụng, tại mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, nhiều giếng khoan có các lớp ống chống đã sử dụng hơn 30 năm, dẫn đến tình trạng các ống chống bị rỉ sét, mòn, thậm chí bị khuyết tật nghiêm trọng. Thực trạng này đã hình thành nên nhu cầu lớn về dịch vụ đo khảo sát khuyết tật các ống chống, hay còn gọi là đo kiểm tra trạng thái kỹ thuật ống chống nhằm phục vụ cho quá trình bảo dưỡng giếng khoan và cách ly các vỉa trong giai đoạn khai thác tận thu các vỉa sản phẩm ở các tầng trên như hiện nay.
Kỹ sư Đỗ Phi Long bên sản phẩm sáng kiến “Thiết kế và chế tạo hệ thống máy đo khuyết tật ống chống giếng khoan bằng hệ đa cảm biến LVDT đo bán kính từ phía trong theo 40 và 60 sector”. |
Long chia sẻ, nhu cầu lớn là vậy nhưng do tình trạng biến động bất thường của giá dầu theo chiều hướng xấu trong những năm gần đây khiến cho việc đầu tư, mua sắm thêm thiết bị mới ở Xí nghiệp Địa vật lý nói riêng và Vietsovpetro nói chung rất khó khăn. Bởi giá thành của các máy giếng và máy trạm trong ngành đặc thù này rất đắt. Chính vì vậy, lãnh đạo xí nghiệp luôn phải linh động, luân chuyển các máy hiện có giữa các công trình biển nhằm bảo đảm phục vụ kịp thời cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng máy giếng với tần suất cao, cộng thêm tuổi đời thiết bị khá cao khiến cho những hư hỏng, lỗi kỹ thuật cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Trước khó khăn này, Long và cộng sự đã trăn trở, nghiên cứu tìm cách khắc phục. Theo đó, Long đã tận dụng các phần cơ khí còn lại của các máy đo độ dày ống chống bằng cách đo đường kính trong của ống chống để xây dựng một hệ thống gồm 3 máy giếng và 2 trạm bề mặt nâng cấp thêm chức năng mới. Sáng kiến này lập tức đã khắc phục được những hạn chế trước đó, đồng thời làm lợi cho xí nghiệp hơn 600.000 USD.
Cũng như Đỗ Phi Long, chàng trai trẻ Trần Quang Vũ, kỹ sư Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn (PV Gas) đã có nhiều sáng kiến, mang lại giá trị lớn cho DN. Theo Vũ thì sáng tạo là một phẩm chất của tuổi trẻ. “Sức sáng tạo của con người là không có giới hạn, nó chỉ ngừng khi chúng ta ngừng nỗ lực. Khi làm bất cứ công việc gì, nếu chúng ta đặt vào đó niềm đam mê, sự nhiệt huyết thì chúng ta sẽ có những sáng kiến, cải tiến để làm tốt hơn công việc của mình”, Vũ nói.
Với suy nghĩ đó, trong quá trình làm việc, Vũ không ngừng học tập, rèn luyện và sáng tạo. Vũ đã có 6 sáng kiến không chỉ mang lại bằng tiền giá trị hàng tỷ đồng mà còn tiết kiệm sức lao động, thời gian cho DN. Trong đó, 5 sáng kiến đạt cấp Tổng Công ty và 1 sáng kiến được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia công nhận.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT
Đây là năm thứ 11 giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc được Trung ương Đoàn tổ chức nhằm động viên, tôn vinh, khen thưởng những thợ trẻ có tay nghề cao, có thành tích lao động xuất sắc, có nhiều ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo được áp dụng trong học tập, lao động, sản xuất. Qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2020, có 63 gương “Người thợ trẻ giỏi” được tuyên dương, là những thanh niên công nhân đang trực tiếp lao động, sản xuất, các kỹ sư, kỹ thuật viên trực tiếp sản xuất hoặc điều hành các quy trình sản xuất trong các DN và học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.
Trong quá trình hoạt động sản xuất- kinh doanh, PVN luôn khuyến khích người lao động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, sáng chế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ những sáng kiến, sáng chế áp dụng vào thực tế đã làm lợi hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước cũng như DN. Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) khẳng định, phong trào lao động phát huy sáng kiến, sáng chế tại đơn vị tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các sáng kiến của PV Gas được áp dụng trong thực tế đã góp phần vào việc quản lý, vận hành công trình khí an toàn, hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho PV Gas và PVN, góp phần thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đánh giá của PVN, 5 năm qua, PVN đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng nghiêm trọng. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2020 là đối mặt với cuộc “khủng hoảng kép” do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy giảm giá dầu. Trong bối cảnh đó, PVN đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đạt được kết quả khả quan, rất đáng ghi nhận. Kết quả này là nhờ sự góp sức của tập thể những người lao động dầu khí, trong đó có các kỹ sư được tuyên dương là những người thợ trẻ giỏi.
13 gương mặt trẻ ngành dầu khí được vinh danh gồm: Võ Đức Thảo - kỹ sư Cơ khí Xí nghiệp Xây lắp, Khảo sát và Sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (Vietsovpetro); Đỗ Phi Long - kỹ sư Hiệu chỉnh Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan (Vietsovpetro); Nguyễn Tuấn Minh - kỹ sư Khai thác Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (Vietsovpetro); Trần Quang Vũ - kỹ sư Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn (PV GAS); Phạm Phi Bảo – Kỹ sư Điện, Tự động hóa, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (PV GAS); Nguyễn Văn Dũng – kỹ sư công nghệ hóa dầu, Trưởng ca Xưởng Ammonia Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo); Nguyễn Văn Diệu – kỹ sư cơ khí PVFCCo; Nguyễn Thành Linh - kỹ sư cơ khí thiết bị bơm Phòng Kỹ thuật bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC); Lê Văn Hùng - kỹ sư Phòng Công nghệ Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC); Trần Ngọc Minh - Công nhân kỹ thuật Xưởng Cơ khí Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC); Nguyễn Văn Quang - kỹ sư cơ khí Xưởng Cơ khí Nhà máy Đạm Cà Mau (PVCFC); Mai Hải Đăng - Máy trưởng, Quản lý tàu chứa FSO GOLDEN STAR, Công ty Cổ phần Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC; Trần Văn Anh - Tổ trưởng Tổ PTSC Lam Sơn, Công ty CP Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC.
|
Bài, ảnh: PHAN HÀ