ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Bài 4: Cần cởi trói thủ tục, cải cách thể chế

Thứ Tư, 26/03/2025, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Mặc dù có các chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ lực hấp dẫn DN và các thành phần xã hội tham gia, cần sự “cởi trói” thủ tục và cải cách thể chế.

Cán bộ biên phòng quan sát, giám sát cảng qua “Hệ thống quan sát ngày đêm tầm trung BP”, sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh năm 2024.
Cán bộ biên phòng quan sát, giám sát cảng qua “Hệ thống quan sát ngày đêm tầm trung BP”, sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh năm 2024.

Thủ tục phức tạp, rườm rà

Trong 5 năm qua, cả tỉnh chỉ có 8 DN KH-CN và 14 DN thành lập Quỹ phát triển KH-CN trong hàng trăm DN đủ điều kiện dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các DN này.

Là một trong những DN có nhiều dự án công nghệ cao đầu tư vào dây chuyền sản xuất, xử lý nước thải và CĐS, Công ty CP Cao su Bà Rịa đã thành lập Quỹ KH-CN vào năm 2010 với mức trích từ 1,5-7 tỷ đồng tùy vào lợi nhuận trước thuế hàng năm. Các dự án từ Quỹ phát triển KH-CN DN đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn nước thải ra môi trường phù hợp theo quy định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Giải pháp công nghệ “Sử dụng một phần khối kết cấu bệ đỡ cho tổ hợp khoan di động sẵn có để lắp cho giàn mới” đoạt giải Nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh 2022-2023, giúp tiết giảm chi phí cho Vietsovpetro hơn 2 triệu USD.
Giải pháp công nghệ “Sử dụng một phần khối kết cấu bệ đỡ cho tổ hợp khoan di động sẵn có để lắp cho giàn mới” đoạt giải Nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh 2022-2023, giúp tiết giảm chi phí cho Vietsovpetro hơn 2 triệu USD.

Tuy nhiên, theo DN, mức trích lập 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ phát triển KH-CN còn thấp, không đủ cho nhu cầu phát triển KH-CN của DN. Bởi khi đầu tư cho một dây chuyền công nghệ mới, trị giá có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển KH-CN có đối tượng áp dụng cũng bị hạn chế, chỉ áp dụng lĩnh vực KH-CN và phải là lĩnh vực mới nên rất khó cho DN áp dụng. Đổi mới sáng tạo chỉ mới quan tâm hỗ trợ trong khối DN khởi nghiệp, chưa có mở rộng ra toàn DN. Thủ tục quyết toán tài chính giải ngân cho các dự án và Quỹ KH-CN DN vẫn còn phức tạp.

“Các DN KH-CN được hỗ trợ vay vốn nhưng ngân hàng và các tổ chức tài chính không chấp nhận thế chấp bằng tài sản trí tuệ hình thành từ các nghiên cứu KH-CN như bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… dù các bằng này đã có giá trị thương mại hóa, phát triển tốt trên thị trường”, ông Hồ Viết Vẻ, Giám đốc Công ty TNHH Sigen (TP.Vũng Tàu) phản ánh.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo hiện tại bị phân mảnh rất lớn, thiếu tính ổn định và không duy trì được trong dài hạn, mang tính manh mún. Hầu hết các chương trình, đề tài KH-CN có những mục tiêu khác nhau, đặt ở nhiều cơ quan Trung ương, địa phương khác nhau, kinh phí phê duyệt cho từng nhiệm vụ không đủ lớn và thời gian làm thủ tục xin cấp, rồi giải ngân dài.

Còn nhiều hạn chế

Nhìn nhận những mặt còn hạn chế, lãnh đạo tỉnh đánh giá, mặc dù nhiều chủ trương, chính sách về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, CĐS được ban hành, nhưng trong một số lĩnh vực kết quả đạt được có mặt còn khiêm tốn. Một số vấn đề hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa được KH-CN tham gia giải quyết kịp thời và hiệu quả, chưa có nhiều dự án KH-CN lớn, có sức ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng đối với địa phương. Một số mô hình ứng dụng mới ở mức thử nghiệm, tính nhân rộng chưa cao.

Việc huy động nguồn lực xã hội, nhất là từ các DN ngoài Nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn hạn chế. Các DN của tỉnh đa số là nhỏ và vừa, chưa đủ tiềm lực về tài chính cũng như con người để đầu tư phát triển KH-CN. Phần lớn DN thiếu thông tin về công nghệ, thiếu vốn và năng lực nội sinh để đổi mới công nghệ.

Theo báo cáo của Sở KH-CN về việc triển khai Quyết định số 3641/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của UBND tỉnh hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh mới có 121 DN, HTX, cơ sở sản xuất tham gia. So với hơn 7.600 DN nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì con số này chỉ đạt 1,6% là quá thấp, chứng tỏ các chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn DN.
(TS Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh)

Các DN trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm và chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Số DN thực sự có tính chất sáng tạo, đổi mới, DN phát triển phần mềm trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.

Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, sắp tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống, thu hút, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển dịch vụ chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Phát triển hạ tầng và tiềm lực KH-CN đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển hình thành các tổ hợp (cụm liên kết ngành) về khoa học biển và đại dương… trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, Bộ KH-CN đã xây dựng báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua ngày 19/2 Nghị quyết số 193/2025/QH15 cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và CĐS.
Theo đó, Quốc hội đã thông qua việc cải cách cơ chế quản lý tài chính, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu KH-CN, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Nghị quyết 193 thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết về kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để cấp kinh phí thực hiện tiếp các đề tài. Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu KH-CN thông qua cơ chế quỹ và quy định miễn trách nhiệm dân sự, không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.
Nghị quyết 193 cũng cho phép thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Các cơ sở nghiên cứu được sử dụng hoặc sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả, tài sản hình thành từ nghiên cứu KH-CN để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành DN.
Ngoài ra, Nghị quyết 193 cũng thí điểm cho phép DN chi cho KH-CN ngoài Quỹ KH-CN và được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN. Tức là DN có thể chi cho KH-CN nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định quá chặt chẽ của quỹ.

Tỉnh cũng tập trung rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng và quy định pháp luật về KH-CN để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với DN cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin và thúc đẩy CĐS, đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Phấn đấu nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về mức độ chuyển đổi số và chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh; xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm dữ liệu quốc gia (big data) và đổi mới sáng tạo.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.