Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Bài 3: 'Trải thảm đỏ' hút nhân lực trình độ cao

Thứ Ba, 25/03/2025, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia xác định rõ nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng.

Đào tạo kiến thức về công nghệ in, scan 3D, mô phỏng và giao dịch sản phẩm trên sàn công nghệ Bavutex cho nhân viên ở công ty ThinkSmart (TP.Vũng Tàu).
Đào tạo kiến thức về công nghệ in, scan 3D, mô phỏng và giao dịch sản phẩm trên sàn công nghệ Bavutex cho nhân viên ở công ty ThinkSmart (TP.Vũng Tàu).

DOANH NGHIỆP “bắt tay” với nhà khoa học

Cùng với sự phát triển của KH-CN và nhu cầu của thị trường, Công ty TNHH Hiệp Lực Phát Triển Việt - SDVICO (TP.Vũng Tàu) đã có nhiều bước đột phá trong công cuộc nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Với phương châm cùng hợp lực phát triển nghề cá tỉnh nhà, trong suốt 11 năm hoạt động, SDVICO đều tập trung vào việc nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho tàu cá và ngư dân. Năm 2024, SDVICO đã tạo ra sản phẩm bộ lọc dầu S-tracking, không dùng điện năng hay bất cứ nhiên liệu nào nhưng vẫn tạo ra hiệu suất lọc sạch dầu, giúp nâng cao chất lượng vận hành của máy móc trên tàu cá. Song song đó, việc nghiên cứu cùng với Công ty Dầu khí Việt Nam tạo ra sản phẩm nhớt chứa Nano Graphene có tính năng làm mát nhanh, tăng tuổi thọ cho động cơ và giúp giảm thải khí CO2 ra môi trường.

Đặc biệt, ngày 10/3 vừa qua, cùng với Sở Nông nghiệp và Môi trường, SDVICO đã giới thiệu đến cán bộ quản lý ngành, cảng cá và ngư dân phần mềm quản lý số hóa dữ liệu nghề cá tại cảng, hướng dẫn công nghệ trong CĐS về nghề cá, ghi nhật ký khai thác điện tử và khai báo vị trí tàu cá bị mất kết nối qua phần mềm ứng dụng Soba.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc công ty cho biết, mỗi năm SDVICO đều cố gắng phát triển sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho bà con ngư dân nhưng nguồn nhân lực trình độ cao có hạn. Hầu hết 46 nhân viên công ty có trình độ chuyên môn làm việc nhưng không có trình độ, khả năng nghiên cứu KH-CN. Chính vì thế, công ty đã phối hợp, đặt hàng với với các giáo sư, tiến sĩ của Trường Đại học Dầu khí (TP.Bà Rịa) trong việc phát triển các sản phẩm mới.

Hiện tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực trí thức, nhà khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong ảnh: Ông Trịnh Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường Nano Việt (TP.Vũng Tàu) nghiên cứu sản phẩm trong phòng thí nghiệm.
Hiện tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực trí thức, nhà khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong ảnh: Ông Trịnh Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường Nano Việt (TP.Vũng Tàu) nghiên cứu sản phẩm trong phòng thí nghiệm.

“Việc phối hợp giữa DN và các nhà khoa học là bí quyết thành công của SDVICO trong những năm qua. Công ty đặt hàng các trường, viện đề tài khoa học theo nhu cầu của mình và DN là đơn vị ứng dụng, thương mại hóa, hiện thực hóa các nghiên cứu KH-CN đó vào sản xuất, kinh doanh và cuộc sống”, ông Hòa chia sẻ.

Tuy nhiên, do nhu cầu của DN lớn và ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà Bà Rịa-Vũng Tàu không đáp ứng hết được nên công ty đã mở rộng việc hợp tác này đến các trường, viện khác ngoài tỉnh như Đại học Bách Khoa, Viện Dầu khí Việt Nam, Khu công nghệ cao (TP.Hồ Chí Minh), Đại học Việt Đức (Bình Dương)…

Thiếu nhà khoa học, nguồn nhân lực trình độ cao

Theo TS Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, thiếu nhân lực trí thức trình độ cao có chuyên môn nghiên cứu KH-CN đang là thực trạng và hạn chế của tỉnh.

Số liệu thống kê về nguồn nhân lực KH-CN của Sở KH-CN cho thấy, lượng trí thức, nhân lực có trình độ trên đại học, nhất là cấp bậc tiến sĩ giảm mạnh trong những năm qua. Nếu năm 2016, Bà Rịa-Vũng Tàu có 120 tiến sĩ thì đến năm 2021 còn 102 người và đến năm 2023 chỉ còn 17 người. Số lượng thạc sĩ cũng giảm dần theo từng năm, từ 524 người năm 2021 còn 184 người năm 2023.

Theo Sở KH-CN, sự suy giảm này do sự giải thể, sắp xếp lại của một số tổ chức, đơn vị, nguồn nhân lực chuyển đi nơi khác, trong đó có nhân lực KH-CN trình độ cao. “Nhìn chung, nguồn nhân lực KH-CN về chất lượng có mặt chưa tương xứng, nhất là trình độ năng lực quản lý, nghiên cứu, ứng dụng, thiếu các chuyên gia KH-CN. Số chuyên gia KH-CN của tỉnh đáp ứng tiêu chí chuyên gia của Bộ KH-CN còn thấp”, bà Lương Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận.

Từ đó, dẫn đến một thực trạng khác, trong 32 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN mà tỉnh triển khai thực hiện trong 5 năm qua, chỉ có 2 đề tài do nhân lực trong tỉnh làm chủ nhiệm đề tài, còn 30 đề tài khác, chủ nhiệm là người ở các viện nghiên cứu, trường đại học ngoài tỉnh thực hiện (chiếm 93,75%).  

Theo TS Trương Thành Công, một nguyên nhân khác là các cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh không nhiều, hiện chỉ có 2 trường đại học (ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu và ĐH Dầu khí) và 5 trường cao đẳng (Cao đẳng Sư phạm, Y tế, Du Lịch, Dầu khí và Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ). Viện nghiên cứu chỉ có Viện nghiên cứu và thiết kế về Dầu khí thuộc Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, Trung tâm giống hải sản quốc gia, Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam… Ngân sách chi cho phát triển KH-CN hiện cũng chưa tới 1% ngân sách tỉnh.

Sản phẩm máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ trên tàu cá của Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP.Vũng Tàu).
Sản phẩm máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ trên tàu cá của Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP.Vũng Tàu).

TS Trương Thành Công kiến nghị tỉnh cần hoàn thiện, bổ sung công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực KH-CN phù hợp với tình hình mới. Việc toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động nhiều mặt và đặt ra những yêu cầu mới cấp thiết trong việc tăng cường đào tạo, phát triển một thế hệ mới các doanh nhân, đội ngũ trí thức, người lao động có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt, có tay nghề vững vàng, có năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh đó, tỉnh cùng cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng, đãi ngộ tốt đối với nguồn nhân lực KH-CN trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực KH-CN. “Cần tạo lập môi trường, điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ này vừa để thu hút, tuyển dụng vừa giữ chân nhân tài”, TS Trương Thành Công nói.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
;
.