'Đặt hàng' đề tài khoa học - công nghệ: Động lực phát triển bền vững

Thứ Sáu, 20/09/2024, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Nghiên cứu, ứng dụng KH-CN thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án theo đơn đặt hàng của các đơn vị, có địa chỉ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cụ thể đang là xu hướng phát triển KH-CN hiện nay.

Nhãn Edor của Tổ hợp tác ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ có chi phí sản xuất giảm 20%, năng suất tăng hơn 10% so với sản xuất theo truyền thống dùng phân vô cơ trước đó.
Nhãn Edor của Tổ hợp tác ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ có chi phí sản xuất giảm 20%, năng suất tăng hơn 10% so với sản xuất theo truyền thống dùng phân vô cơ trước đó.

Theo đơn đặt hàng

Mới đây, Sở KH-CN tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KH-CN “Đánh giá hiện trạng quần thể dugong và hệ sinh thái cỏ biển tại Côn Đảo, đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn”. Đề tài theo đơn đặt hàng của UBND huyện và Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

Nhóm thực hiện đề tài đã xác định ở vùng biển Côn Đảo còn khoảng 12 cá thể dugong thường xuyên xuất hiện và kiếm ăn tại các thảm cỏ biển do Vườn Quốc gia Côn Đảo quản lý. Từ đó, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý bền vững quần thể dugong, bảo vệ môi trường sống cho dugong như: kiểm soát câu cá giải trí, giảm thiểu hoạt động của tàu thuyền; sử dụng công cụ truyền thông; giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, chính sách và pháp luật; thành lập trung tâm cứu hộ dugong; trồng phục hồi nguyên vị và chuyển vị các loài cỏ biển ở Côn Đảo.

Trước đó, năm 2022, Sở KH-CN cũng nghiệm thu dự án ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo. Dự án đã trồng phục hồi thành công hơn 6.000 tập đoàn san hô với diện tích 3ha. Kết quả của dự án đã chuyển giao cho Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo tiếp tục thực hiện và quản lý.

Cuối tháng 5 vừa qua, Sở KH-CN cũng tổ chức lễ công bố trao chứng nhận sản phẩm nhãn Edor của Tổ hợp tác ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đạt tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ. Chương trình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” mà địa phương đặt hàng với Sở KH-CN, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam là đơn vị tư vấn thực hiện. Dự án thực hiện trong 3 năm với 11 thành viên trên tổng diện tích 15ha, sản lượng đạt 320 tấn/năm.

Theo ông Phạm Thế Phong, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý, sau khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, chi phí sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ của HTX đã giảm hơn 20% so với sản xuất theo truyền thống dùng phân vô cơ trước đó, năng suất cũng tăng lên 10%, giá bán bình quân từ 25-28 ngàn đồng/kg. Với sản phẩm sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, đầu ra của HTX cũng mở rộng ra ngoài tỉnh, bán đi cả nước.

Gắn với nhu cầu thực tiễn

Theo ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, thực hiện các đề tài, dự án KH-CN của tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến theo đơn đặt hàng, có địa chỉ ứng dụng, gắn với nhu cầu thực tiễn của các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên phát triển của tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

San hô phát triển sau phục hồi và tái tạo ở khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo.
San hô phát triển sau phục hồi và tái tạo ở khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo.

Từ năm 2017 đến nay, Sở KH-CN đã phối hợp với các viện, trường, sở, ban ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện hơn 70 đề tài, dự án (cấp tỉnh và cấp Bộ) gắn với yêu cầu đổi mới và phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, khoa học y dược, xã hội nhân văn,…

Từ năm 2021, tỉnh đã triển khai Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021-2026, định hướng đến 2030”. Từ đó, tạo cơ sở và nền tảng nhằm đề xuất các định hướng chiến lược phát triển bền vững huyện Côn Đảo tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh cũng đã đặt hàng với Bộ KH-CN triển khai nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia thực hiện tại huyện Côn Đảo với 2 đề tài: “Áp dụng Kinh tế tuần hoàn trong cung cấp nguồn nước bền vững tại huyện Côn Đảo” và “Áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu, xử lý rác nhựa vùng biển đảo: Nghiên cứu thử nghiệm tại huyện Côn Đảo”.

Nhiều đề tài, dự án đã được nghiệm thu, đưa vào thực tiễn sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả thiết thực. Một số nhiệm vụ cấp bách bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã được triển khai tích cực, kịp thời như dự án thí điểm ứng dụng công nghệ cảnh báo, phát hiện sớm ao xoáy/dòng rip tại khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Hay như dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển trên địa bàn tỉnh; dự án xây dựng hệ thống phao tiêu khoanh vùng bờ biển an toàn dành cho du khách tắm biển.

Một số dự án tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang triển khai như: dự án Ngã tư thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại huyện Xuyên Mộc; dự án ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) trồng dưa lưới và cải bó xôi; dự án ứng dụng công nghệ tự động hóa trong tưới nước và chiếu sáng tại Công viên Hòa Bình (TP.Bà Rịa); dự án ứng dụng công nghệ Blockchain tại DN vận tải…

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.