.

Vườn Quốc gia Côn Đảo bảo tồn chim quý Nicoba

Cập nhật: 08:55, 07/12/2022 (GMT+7)

 

Bồ câu Nicoba là một trong 6 loại chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam vừa xuất hiện tại hòn Bảy Cạnh - Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo. Hiện VQG Côn Đảo đang lên kế hoạch bảo vệ, phát triển loài chim quý hiếm này.

CHIM BỒ CÂU XINH ĐẸP

Theo VQG Côn Đảo, bồ câu Nicoba là một loài chim quý hiếm ở cả Việt Nam và thế giới, có giá trị cả về mặt khoa học và thẩm mỹ. Trên thế giới, bồ câu Nicoba được tìm thấy tại các hòn đảo nhỏ và những vùng bờ biển tại quần đảo Nicobar, miền đông tới quần đảo Mã Lai, và đến Solomon và Palau. Ở Việt Nam, loài chim quí hiếm này chỉ được tìm thấy ở VQG Côn Đảo. Loài chim quí hiếm này di cư đến Vườn Quốc gia Côn Đảo vào khoảng tháng 4 – 8 hàng năm. Năm nay, chim bồ câu Nicoba xuất hiện tại hòn Bảy Cạnh thuộc VQG Côn Đảo vào đầu tháng 11.

Bồ câu Nicoba thuộc bộ bồ câu Columbidae, họ bồ câu Columbiformes, giống bồ câu Caloenas, loài bồ câu Nicobarica. Tại Việt Nam, chúng còn có các tên gọi khác như: bồ câu lông cổ, bồ câu đuôi trắng, bồ câu kền kền.

Bồ câu Nicoba trưởng thành với bộ lông hoàn thiện, màu xanh sặc sỡ.
Bồ câu Nicoba trưởng thành với bộ lông hoàn thiện, màu xanh sặc sỡ.

Khi trưởng thành, bồ câu Nicoba dài khoảng 34cm, với bộ lông màu xanh kim loại, phản chiếu ánh màu đồng trông rất đẹp; lông đầu đen ánh; đuôi rất ngắn và có lông màu trắng ẩn bên dưới... Vì vậy, nhiều người vẫn gọi Nicoba là loài chim bồ câu xinh đẹp.

Bồ câu Nicoba kiếm ăn ở trên mặt đất, ở những vùng đất tương đối bằng phẳng có nhiều lá cây rụng. Chúng tìm thức ăn bằng cách hất lá cây sang một bên và dùng mỏ để bới tìm. Thức ăn chủ yếu của chúng là những trái cây rừng, đặc biệt là những hạt rất cứng, và một vài động vật không xương sống ở mặt đất. Loài này thường thấy đi lẻ kiếm ăn một mình, có khi thấy đi đôi hoặc ba con. Thỉnh thoảng thấy chúng kiếm ăn cùng với loài bồ câu xanh. Thời gian tìm thức ăn kéo dài cả ngày từ sang đến chiều tối.

Chúng chỉ đẻ một trứng, tổ được xây rất đơn giản, có khi chỉ 3-4 que cây nhỏ sắp xếp một cách chắc chắn. Thời gian ấp trứng ngoài thiên nhiên từ 20 -24 ngày. Tuổi thành thục sinh dục của loài chim này thường kéo dài khoảng 1 -1,3 năm.

Cả chim trống và chim mái cùng ấp, trong khoảng 27 - 29 ngày chim non rời khỏi vỏ. Lúc này, chim non được nuôi đủ lông đủ cánh trong khoảng thời gian từ 5 - 6 tuần và sau 2 tuần nữa có thể tự kiếm ăn và sống độc lập.

BẢO TỒN CHIM QUÝ

Theo VQG Côn Đảo, để bảo vệ và bảo tồn loài chim này, thời gian tới, VQG Côn Đảo sẽ tăng cường bảo vệ, theo dõi nghiên cứu và tuyên truyền để người dân nắm bắt, nâng cao ý thức chung tay cùng bảo vệ loài chim quý hiếm và xinh đẹp này. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra ở nơi có bồ câu Nicoba. Đồng thời ban hành các quy định nghiêm cấm phá hoại điều kiện sinh cảnh và can thiệp kịp thời những hành vi, hoạt động của tổ chức hay cá nhân làm ảnh hưởng đến sinh cảnh của chim cũng như các động vật khác; xử phạt nghiêm với các hoạt động săn bắt chim, lấy trứng...

VQG Côn Đảo đang có định hướng vừa bảo tồn, phát triển loài chim quý hiếm Nicoba vừa kết hợp phục vụ du lịch, giáo dục về bảo vệ đa dạng sinh học. Trong ảnh: Khách du lịch đến tham quan hòn Bảy Cạnh, hòn đảo có chim bồ câu Nicoba xuất hiện vào tháng 11 vừa qua
VQG Côn Đảo đang có định hướng vừa bảo tồn, phát triển loài chim quý hiếm Nicoba vừa kết hợp phục vụ du lịch, giáo dục về bảo vệ đa dạng sinh học. Trong ảnh: Khách du lịch đến tham quan hòn Bảy Cạnh, hòn đảo có chim bồ câu Nicoba xuất hiện vào tháng 11 vừa qua

Bên cạnh đó, VQG Côn Đảo cũng theo dõi nghiên cứu loài bồ câu Nicoba ở mức độ cao hơn, từng bước hình thành khu nghiên cứu, khoanh vùng tập trung theo dõi để nắm rõ hơn về hoạt động sinh thái nhằm phục vụ cho công việc bảo tồn và phát triển của loài bồ câu này. Đồng thời, Vườn sẽ tuyên truyền, giáo dục môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là học sinh, bộ đội, ngư dân; khách du lịch tham quan để hiểu về tầm quan trọng, công tác bảo tồn và phát triển bồ câu Nicoba.

Đặc biệt, VQG Côn Đảo còn dự định phối hợp các đơn vị tổ chức, hình thành các tuyến du lịch sinh thái để giới thiệu cho khách tham quan loài chim Nicoba xinh đẹp và quý hiếm này. Qua đó tuyên truyền, tạo sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, làm tăng thêm ý thức tình cảm để mọi người cùng nhau góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

BOX:

VQG Côn Đảo nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng diện tích tự nhiên hơn 19.800ha, gồm hơn 5.800ha bảo tồn rừng trên các hòn đảo và 14.000ha bảo tồn biển. Khu vực rừng ghi nhận 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Trong khi tài nguyên biển ghi nhận 1.725 loài sinh vật.

 

.
.
.