.
NGUYỄN TẤN PHÁT

Từ "chạy nhặt" đến "thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á"

Cập nhật: 10:47, 05/12/2022 (GMT+7)

“Phát chạy nhặt” là cái tên mà những người quan tâm đến môi trường thường nhắc đến Nguyễn Tấn Phát - người khởi xướng dự án bảo vệ môi trường mang tên “chạy nhặt” tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Vượt qua hàng ngàn ứng cử viên đến từ các nhiều nước, Nguyễn Tấn Phát (TP. Vũng Tàu) vinh dự trở thành “thủ lĩnh trẻ” tham dự chương trình học bổng “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” tổ chức tại Mỹ tháng 9 và 10 vừa qua.

Nguyễn Tấn Phát nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình
Nguyễn Tấn Phát nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình "Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" tại Mỹ

Trong số hơn 2.000 hồ sơ của thanh niên tuổi từ 25-35 đến từ các nước Đông Nam Á nộp về ban tổ chức, có khoảng 200 thanh niên đạt học bổng chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á”, trong đó Việt Nam có khoảng 20 người. Với 2 bằng thạc sĩ du học tại Philippines và Costa Rica và tiếng Anh giao tiếp tốt cùng với vốn kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo các hoạt động cùng với đam mê, kiến thức sâu rộng trong công tác bảo vệ môi trường đã giúp Nguyễn Tấn Phát chiến thắng chương trình học bổng.

Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1989) đến từ TP. Vũng Tàu là một trong số hơn 20 thanh niên Việt Nam đạt học bổng của chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á”. Với 4 chủ đề của chương trình, Nguyễn Tấn Phát là một trong những thành viên của Việt Nam được chọn tham gia chương trình với chủ đề “phát triển bền vững và môi trường”.

Nguyễn Tấn Phát tham gia chương trình đổi các đồ dùng có khả năng tái sử dụng tại Thành phố Arlington thuộc bang Massachuselts
Nguyễn Tấn Phát tham gia chương trình đổi các đồ dùng có khả năng tái sử dụng tại Thành phố Arlington thuộc bang Massachuselts

Sau chuyến đi dài ngày (6 tuần) tại Mỹ, khi trở về Việt Nam tôi có dịp gặp lại Nguyễn Tấn Phát vào một ngày cuối tuần. Anh chia sẻ, trong thời gian tham gia chương trình “Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” tại Mỹ (từ 12/9 đến 21/10) anh có nhiều trải nghiệm thú vị và nhiều kiến thức được trau dồi từ chuyến đi này. Theo đó, tuần đầu tham gia chương trình anh được giới thiệu về văn hóa nước Mỹ và thăm một số mô hình bảo vệ môi trường tại trường đại học American Univercity của nước Mỹ để học mô hình phát triển bền vững tại đây. Từ đó anh biết được cách họ phân loại rác như thế nào, sử dụng năng lượng mặt trời ra sao, cách thức quản lý và xử lý thức ăn dư thừa, cách trồng sau sạch…

Những tuần sau anh chuyển sang thành phố Arlington thuộc bang Massachusetts để học sâu hơn về quản lý chất thải rắn và các chương trình tái chế, cách mà chính quyền địa phương khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường học. Đồng thời đi thực địa, khảo sát nhà máy xử lý rác thải tái chế rác thải… “Từ đây tôi nhận thấy hầu như tất cả các loại rác thải có khả năng tái chế đều được thu gom và xử lý gần như 100%. Kể cả các sản phẩm làm từ mút, bê tông… ở nhiều nước trên thế giới chưa thể tái chế thì nhà máy này vẫn có khả năng tái chế được”, anh Phát kể.

Nguyễn Tấn Phát cùng các thành viên nhóm
Nguyễn Tấn Phát cùng các thành viên nhóm "Chạy nhặt" tham gia thu gom rác tại bãi biển Vũng Tàu

Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tấn Phát được tham gia nhiều cuộc họp quan trọng với các cơ quan môi trường tại tiểu bang Massachusetts; gặp gỡ đại diện của cơ quan quản lý bờ biển và xem cách họ quản lý bờ biển như thế nào, giám sát mực nước biển dâng ra sao, cách câu cá biển như thế nào để không tận diệt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường... Đặc biệt, ở đây chính quyền địa phương đã thực hiện lệnh cấm sử dụng các loại sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần, khó phân hủy trong môi trường như ly nhựa, hộp xốp, túi ni lông, thậm chí cả chai nước suối, ống hút nhựa…

Nguyễn Tấn Phát cùng tham gia thu gom rác tại bãi biển ở Mỹ, một trong những hoạt động của chương trình

“Sau thời gian tham gia chương trình tôi học được nhiều từ sự hợp tác giảm nhựa. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng DN, chính quyền hay của người dân mà bảo vệ môi trường, giảm nhựa là sự hợp tác của tất cả 3 đối tượng trên. Ngoài ra công nghệ tạo ra sự đổi mới bền vững giúp công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao hơn”, anh Phát đưa ra nhận định. Nói về những ấp ủ sau chương trình, anh Phát cho biết: “Tôi dự định xuất bản một cuốn sách về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa trong đó lấy ý tưởng từ câu chuyện của những học sinh cấp 3 ở các thành phố của nước Mỹ và Việt Nam. Đồng thời tổ chức các buổi nhặt rác, chiếu phim, viết về những câu chuyện bảo vệ môi trường, vẽ  tranh bảo vệ môi trường… từ đó lan tỏa tình yêu môi trường đến hơn với nhiều người, trong đó có những người dân Bà Rịa – Vũng Tàu nơi mà tôi đang sống”.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

BOX:

Được công bố năm 2013, “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” (YSEALI) là chương trình nổi bật của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua một loạt các chương trình, bao gồm trao đổi giáo dục và văn hóa Mỹ, giao lưu ở cấp độ khu vực, và các quỹ tài trợ, YSEALI hướng tới xây dựng năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á.

YSEALI tập trung vào 4 chủ đề quan trọng mà thanh niên trong khu vực quan tâm như: Công dân tích cực; phát triển bền vững và môi trường; phát triển kinh tế; quản trị và xã hội.

 

 

.
.
.