.

Một ngày ở IOC

Cập nhật: 20:43, 13/05/2022 (GMT+7)

Từ 15 bộ máy tính của nhân viên VNPT làm việc bên dưới, 27 màn hình led 55 inch/cái được treo ngay phía trên đầu của Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC), toàn bộ các thông tin cơ bản của BR-VT đã hiển thị trên không gian số này.

 IOC tỉnh hiện đang sử dụng công nghệ hiện đại để đọc và phân tích dữ liệu giúp lãnh đạo tỉnh.
IOC tỉnh hiện đang sử dụng công nghệ hiện đại để đọc và phân tích dữ liệu giúp lãnh đạo tỉnh.

Dữ liệu “sống” từ IOC

9 giờ sáng, từ IOC tỉnh, 5 nhân viên của VNPT BR-VT đã miệt mài làm việc, cập nhật từng con số từ thu chi ngân sách, kho cảng, bến bãi đến các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú… lên hệ thống. Mỗi một cơ sở dữ liệu khi được cập nhật lên đều được số hóa bằng biểu đồ, đồ thị và lưu trữ trên hệ thống máy chủ.

Ngay lúc này, trên màn hình đang hiển thị một phương tiện xe mang biển kiểm soát 72A-143… đang “xâm nhập vào vùng cấm” tại ngã tư Long Phước (TP. Bà Rịa). Lập tức phương tiện này được khoanh vùng đỏ, camera chụp biển số xe và truyền dữ liệu này cho cơ quan chức năng xử lý.

Ở một diễn biến khác, trên tuyến QL.51, một xe ô tô mang biển kiểm soát của TP. Hồ Chí Minh đi từ chiều về BR-VT qua địa bàn xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ chạy với tốc độ 99,6km/giờ. Hệ thống camera điều hành giao thông được ứng dụng AI phân tích hành vi vi phạm của các phương tiện qua chốt. IOC sẽ lưu lại các thông tin như biển số xe, video clip và hình ảnh của hành vi phạm, sau đó chuyển về Phòng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh để thực hiện xử phạt theo quy định.

Ngoài giám sát an ninh giao thông, từ IOC tỉnh qua hệ thống có thể dễ dàng giám sát được người dân sử dụng phương tiện nào xâm nhập vào vùng cấm, người dân nào có sử dụng vũ khí, khu vực nào đang xảy ra đánh nhau, khu vực nào xảy khói cháy… Đặc biệt, để phục vụ công tác quản lý, điều hành, giám sát các lĩnh vực trên địa bàn, BR-VT đã lắp đặt 100 camera trọng điểm, trong đó có camera thông minh có chức năng nhận diện khuôn mặt, nhận diện đám đông, camera quay quét, ưu tiên lắp đặt tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực chợ, khu vực ngã ba, ngã tư, khu vực thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự... đồng thời tích hợp với hàng trăm camera xã hội hóa ở các khu dân cư, trường học truyền dữ liệu về Trung tâm IOC để vận hành đồng bộ. Đây được xem là “mắt thần” của tỉnh trong việc giám sát giao thông và kiểm soát an ninh trật tự.

Theo ông Võ Đình Vũ, phụ trách IOC tỉnh, IOC ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại như công nghệ AI trong việc kết nối các cảm biến, camera, hệ thống quản lý dữ liệu video và phân tích hình ảnh, cho phép hiển thị video dưới dạng lưới thông qua việc tích hợp các camera của tỉnh. Đặc biệt, IOC tỉnh BR-VT là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam đưa vào vận hành “trợ lý ảo”.

Từ IOC tỉnh, nhân viên VNPT thử đặt câu hỏi với “trợ lý ảo”: “Thu ngân sách tỉnh 4 tháng đầu năm 2022 đạt bao nhiêu?”. Lập tức trợ lý ảo nhận được câu hỏi, cập nhật thông tin trong vài giây và có câu trả lời: “Tính đến hết tháng 4/2022, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh BR-VT đạt 35.719 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu khí 12.664 tỷ đồng, thu thuế xuất, nhập khẩu 7.015 tỷ đồng; thu ngân sách nội địa 16.040 tỷ đồng”.

Không cần phải gọi cho Sở Du lịch gửi thông tin, báo cáo như trước đây, từ ứng dụng IOC tỉnh, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nắm rõ thông tin điều hành du lịch chỉ bằng một cái click chuột. Trên màn hình sẽ hiển thị tình hình khách lưu trú tại địa bàn, tổng thu từ khách, thống kê DN lữ hành, so sánh tăng trưởng giữa khách quốc tế và nội địa, tăng trưởng doanh thu theo năm…

Tiếp tục cập nhật và hiện đại hóa

Như vậy có thể thấy, với 10 phân hệ chức năng hiện có, IOC tỉnh đang là một “không gian số” sống động giúp lãnh đạo tỉnh giám sát hành chính công; giám sát an toàn thông tin; giám sát mạng xã hội; lĩnh vực y tế; giáo dục; du lịch; tài nguyên và môi trường; hệ thống điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội; hệ thống phản ánh kiến nghị; nắm thông tin qua camera giám sát… một cách nhanh chóng, chính xác.

Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện nhiều số liệu của ngành du lịch được tiếp tục cập nhật trên IOC tỉnh như: Tình hình khách lưu trú trên địa bàn, doanh thu, danh sách DN lữ hành, hướng dẫn viên, các cơ sở lưu trú, các điểm đến, tăng trưởng doanh thu… “Việc đưa dữ liệu lên IOC tỉnh giúp Sở Du lịch thu thập, đánh giá, phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về du lịch. Từ đó hỗ trợ lãnh đạo ngành đưa ra quyết định kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch”, ông Trung nói.

Theo ông Võ Đình Vũ, IOC tỉnh được xem là “bộ não số” của BR-VT nhờ vào hạ tầng, các phần mềm hiện đại có khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu. Thông qua các báo cáo số do 14 sở, ngành, địa phương cung cấp, IOC tỉnh sẽ tập hợp và thống kê số liệu kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua đồ thị hóa, giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn toàn diện để chỉ đạo, điều hành các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, hay CCHC kịp thời, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân, DN.

“Hiện chúng tôi đã cung cấp khoảng 2.000 tài khoản cho CB-CNV cấp quản lý từ tỉnh đến xã, phường để có thể dễ dàng sử dụng app của IOC trên điện thoại thông minh phục vụ cho công tác quản lý, điều hành”, ông Vũ nói.

Thông tin từ Sở TT-TT, trước mắt IOC tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT và nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh; chính quyền số trong đô thị thông minh; quy hoạch đô thị thông minh; giao thông thông minh... để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát, điều hành thông minh. Thời gian tới IOC sẽ tiếp tục được tỉnh đầu tư, nâng cấp gắn với quá trình chuyển đổi số và sự tham gia tích cực của người dân, DN trên cơ sở bảo đảm 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.