Ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vẫn chưa khắc phục triệt để
TP.Vũng Tàu đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường bằng nhiều giải pháp, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Rác đầy trong một bãi đất trống rất nhỏ nằm trọn trong KDC sát nhà dân, bên cạnh các nhà nghỉ, khách sạn đường Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu. |
Nhiều khu dân cư vẫn còn ô nhiễm
Bãi đất trống trên đường Hồ Quý Ly chỉ rộng khoảng 20m2, dù chung quanh là nhà dân và khách sạn nhưng hằng ngày người dân vẫn đem rác đến đây để thải bỏ, khách du lịch đi qua cũng tiện tay ném rác xuống đây. Vì vậy, khu đất này tuy nhỏ nhưng chứa đủ loại rác thải từ xà bần, nệm, ghế sofa đến các loại cây, lá, rác thải sinh hoạt hằng ngày...
Khi rác quá nhiều, người dân tự đốt rác khiến khói bay mù mịt, cộng với mùi túi ni lông khi cháy rất độc hại và khó chịu. Mặc dù phường Thắng Tam đã nhiều lần họp, lên án tình trạng xả rác bừa bãi ở những bãi đất trống. Đồng thời cắm bảng “cấm đổ rác” nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Ngoài các bãi đất trống bị ô nhiễm bởi rác thải, các gara sửa xe, cơ sở thu mua ve chai, xưởng làm đồ mộc… thường xuyên bị người dân phản ánh gây ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Đặc biệt, các cơ sở chế biến hải sản là ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.Vũng Tàu.
Trong đó, địa bàn tập trung nhiều cơ sở chế biến hải sản nhất là phường 12 với 33 cơ sở. Riêng khu vực gần trường mầm non Cỏ May được xác định là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Trường mầm non Cỏ May đi vào hoạt động từ tháng 8/2015 nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt trường học tại khu vực. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư xây dựng khang trang nhưng do trường nằm tiếp giáp với 5 DN chế biến hải sản với quy mô lớn nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi. Vì vậy, số học sinh theo học tại trường chỉ đạt 1/3 công suất thiết kế.
Nhiều năm qua, kênh Rạch Bà cũng là 1 trong 3 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Kênh Rạch Bà nằm lọt thỏm trong các khu dân cư, đi qua địa bàn nhiều phường, kéo dài từ khu Á Châu (phường 2) đến cầu Rạch Bà phường 12. Những người dân sống ven kênh Rạch Bà mấy chục năm qua coi dòng kênh này đã “chết” vì hiếm khi họ nhận thấy sự dịch chuyển của con nước.
Ở đoạn kênh nào cũng chất đầy rác, chai nhựa, túi ni lông… Trong đó, ô nhiễm nặng nề nhất là đoạn kênh qua phường 11. Nước kênh đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc bởi người dân sống ven kênh xả thải, các cơ sở sản xuất cũng thải nước thẳng ra kênh. Bà Nguyễn Thị Luận (704/7, đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, lúc nào kênh Rạch Bà cũng hôi thối nồng nặc, thở không nổi.
Mùa mưa, nước từ kênh tràn vào nhà, ngập khoảng 10-20cm. “Đáng nói là tình trạng heo, gà chết người dân thải ra kênh gây nên mùi hôi thối, khiến cho môi trường sống thường xuyên bị ô nhiễm”, bà Luận nói.
Theo ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu, khảo sát gần đây nhất, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có khoảng 400 cơ sở sản xuất nằm rải rác trong các khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung vào 4 nhóm. Cụ thể, nhóm các cơ sở gây ô nhiễm do chất thải lỏng tập trung ở các ngành sản xuất nước đá, sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất sơn.
Nhóm các cơ sở gây ô nhiễm do chất thải rắn tập trung chủ yếu các ngành sản xuất gia công cơ khí, sản xuất mộc, cưa xẻ gỗ, sản xuất than các loại và tái chế phế phẩm.
Nhóm các cơ sở gây bụi và tiếng ồn tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất vật liệu, than các loại, sản xuất gia công cơ khí, sản xuất gia công hàng may mặc, đặc biệt là các ngành sản xuất mộc, cưa, xẻ gỗ… Nhóm các cơ sở gây mùi hôi khó chịu tập trung chủ yếu các ngành sản xuất sơn, lương thực thực phẩm và chế biến hải sản.
Theo Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, phần lớn các cơ sở sản xuất này có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, thiết bị và biện pháp xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng, nhất là các cơ sở sản xuất có công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu. Do đó, các cơ sở này không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường, có nguy cơ gây cháy nổ cũng như tác động xấu đến cộng đồng dân cư. |
Kiên quyết làm sạch khu dân cư
Quan điểm của lãnh đạo TP. Vũng Tàu là kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu dân cư đưa vào sản xuất tập trung tại cụm TTCN Phước Thắng. Tuy nhiên, dự án này chậm tiến độ do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do dự án có diện tích thu hồi lớn nên việc di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nhiều năm nay vẫn chưa được thực hiện.
Cụ thể, cụm TTCN Phước Thắng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vào tháng 5/2017 nhằm phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Dự án có mức đầu tư hơn 543 tỷ đồng (giai đoạn 1) với tổng diện tích đất cần thu hồi là gần 396 ngàn m2.
Dự án được UBND TP.Vũng Tàu ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí cho 77 hộ với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 263 tỷ đồng. Đến nay, TP.Vũng Tàu vừa vận động vừa cưỡng chế 7 hộ cuối cùng để bàn giao đất cho cơ quan chức năng thực hiện dự án. Trong tháng 4/2022, TP. Vũng Tàu sẽ nhận bàn giao phần đất 7 hộ này ngoài thực địa và tổ chức thi công tuyến đường D6, nạo vét bùn và đắp bù cát theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
Song song đó, TP.Vũng Tàu đã thực hiện dự án điều tra, khảo sát cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu dân cư để di dời vào khu TTCN Phước Thắng và đề xuất tỉnh phê duyệt danh sách các cơ sở chế biến hải sản phải di dời khỏi địa bàn thành phố.
Dự kiến trong tháng 5 này, TP.Vũng Tàu sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải di dời vào khu TTCN Phước Thắng. Nếu mọi việc thuận lợi thì trong năm 2022, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, lúc này TP.Vũng Tàu mới tiến hành di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư… vào cụm TTCN Phước Thắng. Riêng đối các cơ sở chế biến hải sản sẽ di dời vào khu chế biến hải sản tập trung.
Ngoài ra, để giải quyết điểm đen ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, năm 2022, TP. Vũng Tàu cũng triển khai dự án lên quan đến cải tạo cảnh quan khu vực kênh Rạch Bà. Đối với kối với khu vực Cửa Lấp, thành phố đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các cơ sở chế biến hải sản thuộc diện phải di dời, duy trì kiểm tra các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, buộc dừng các cơ sở hoạt động không phép, không để phát sinh cơ sở mới.
Đồng thời phối hợp với tỉnh thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải TP.Vũng Tàu giai đoạn 2, cải tạo tuyến kênh thoát nước chính của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, treo biển cấm, tăng cường lực lượng kiểm tra, công khai mức xử phạt nhằm răn đe các hành vi xả rác trong khu dân cư.
Bài, ảnh: QUANG VŨ