.

Tăng cường quản lý chất thải nguy hại

Cập nhật: 18:51, 13/04/2022 (GMT+7)

Chất thải nguy hại (CTNH) có tính chất nguy hiểm, nếu quản lý không tốt sẽ gây nên những tác hại khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, quản lý CTNH đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan chức năng. Đặc biệt là, trong bối cảnh BR-VT đang phát triển mạnh về công nghiệp, trong đó có công nghiệp nặng như: luyện thép, sản xuất xi măng, đạm... 

Công nhân bảo quản bụi lò thép trong kho tại Nhà máy thép miền Nam.
Công nhân bảo quản bụi lò thép trong kho tại Nhà máy thép miền Nam.

Nguồn thải lớn

Theo thống kê của Sở TN-MT, khối lượng CTNH trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 204 tấn/ngày gồm có chất thải dầu thô từ việc làm sạch tàu chở dầu; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động dầu khí; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động cảng biển và vận tải đường thủy; chất thải độc hại từ các nhà máy và xí nghiệp trong các KCN.

Ngoài các loại CTNH được thu gom, trên địa bàn tỉnh còn nguồn phát sinh CTNH từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu để đưa CTNH, chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, vỏ ô tô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng (màn hình máy tính, bản mạch điện tử...) về nước khiến cho lượng CTNH ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh mỗi năm phát sinh khoảng hơn 100.000 tấn bụi lò thép từ 6 nhà máy luyện phôi thép. Tuy nhiên, 6 nhà máy thép nằm gần các khu dân cư nên thường xuyên bị người dân phản ánh về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, Sở TN-MT đã yêu cầu các nhà máy đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về trung tâm quản lý của tỉnh. Tuy  nhiên, theo anh Nguyễn Văn Khoa (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ), thỉnh thoảng lợi dụng trời mù sương hoặc chuyển mưa, một số nhà máy trong KCN Phú Mỹ 1 lại xả khói đen kịt, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện các DN có chức năng xử lý CTNH nhưng xử lý không đúng quy định. Trước đó, tháng 10/2016, Công ty CP Môi trường Sao Việt (TX. Phú Mỹ) - một công ty xử lý CTNH - bị cơ quan chức năng xử phạt 435 triệu đồng vì xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Tháng 6/2021, cơ quan chức năng phát hiện nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1) xả khí thải (bụi lò) chưa qua xử lý ra môi trường... 

Theo Sở TN-MT, tốc độ công nghiệp hóa ngày càng phát triển hiện đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Bởi hầu hết tất cả các ngành nghề đều phát sinh CTNH, trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, y tế, nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng… Đặc biệt là ngành công nghiệp nặng. 

Chủng loại CTNH phát sinh cũng rất đa dạng, gồm: các loại dầu thải, bóng đèn huỳnh quang thải, pin ắc quy thải, vỏ bao bì các loại bám dính CTNH, dẻ lau bám dính dầu chất thải, bùn thải từ máy móc và hệ thống xử lý nước thải... Trong 2 năm gần đây, CTNH phát sinh thêm nhóm chất thải từ việc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 với lượng phát sinh khoảng 6-7 tấn/ngày.

Giảm phát sinh, thúc đẩy tái chế

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT),  toàn tỉnh hiện có 7 dự án xử lý CTNH đang hoạt động với tổng công suất 256 tấn/ngày. Riêng bụi lò thép có Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3). Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide có công năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm, được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ. Dự án có công suất thiết kế 100.000 tấn bụi lò thép (EAFD)/năm. 

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho  biết, để tiếp tục nâng cao hiệu công tác quản lý và xử lý CTNH, Sở này đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý KCN và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất có phát sinh CTNH nằm ngoài danh sách các cơ sở đã được cấp sổ chủ nguồn thải CTNH; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho các cơ sở đã được cấp phép xử lý CTNH theo đúng quy định. 

Bên  cạnh đó, Sở TN-MT còn phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu vực tập trung nguồn thải như KCN - CCN, khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Đồng thời, yêu cầu các DN phát sinh nguồn thải lớn trong đó phần lớn là các DN có phát sinh CTNH lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành quan trắc tự động tỉnh. 

“Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, DN trong việc thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao CTNH theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy việc tái chế, thu hồi năng lượng và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, ông  Đặng Sơn  Hải cho  biết  thêm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.