BR-VT cần làm gì để tiếp tục đứng trong top đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số; sẵn sàng thích ứng, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên chuyển đổi số trước… Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số giữa Bộ TT-TT và tỉnh BR-VT diễn ra ngày 29/3 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT và Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng ký kết chương trình thực hiện chuyển đổi số. |
Hội nghị do UBND tỉnh BR-VT tổ chức với sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, ban, ngành, DN… trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 41 điểm cầu các huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY
Lấy người dân làm trung tâm chuyển đổi số
Những năm qua, tỉnh BR-VT luôn nằm trong top đầu trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (ICT Index) và năm 2019 được xếp thứ 4/63 tỉnh thành trên cả nước. BR-VT có niềm tin để cam kết thực hiện chuyển đổi số thành công.
BR-VT cũng đã đặt ra các bước đột phá, đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ đồng lòng để tạo dựng mục tiêu mà Trung ương, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra, đó là xây chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số. Trong đó, cốt lõi là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh và thực thi công vụ một cách công khai, minh bạch.
|
SỰ PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ
Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi DN nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, từ đó thúc đẩy mọi người kinh doanh làm giàu. Theo đó, 4 vấn đề chính trong chuyển đối số là: làm chủ hạ tầng số; làm chủ các nền tảng số; làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp và làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”.
Chuyển đổi số góp phần xây dựng xã hội số, thúc đẩy mạnh mẽ và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số có tác động rõ rệt và bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội và đối với DN, đây là yếu tố quan trọng, là “chìa khóa” giúp giải quyết nhiều “bài toán khó” trong quá trình quản lý và vận hành.
Thông tin những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ số mà quan trọng hơn chuyển đổi số là chấp nhận cái mới. Do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, thể chế, chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có.
THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua tỉnh BR-VT đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Bước đầu, các chương trình trên đã mang lại kết quả thiết thực như: đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của tỉnh; liên thông gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính, đạt tỷ lệ trên 80%; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 69%, mức độ 4 đạt 55%; phần mềm một cửa điện tử triển khai thống nhất 3 cấp hành chính của tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực được triển khai; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến trung ương; cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước tăng cường công khai, minh bạch thông tin quản lý, giúp người dân, DN tiếp cận thông tin và tương tác chính quyền dễ dàng hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT, số hóa hướng đến chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập như: sự chuyển động trong hệ thống hành chính nhà nước thích ứng với thực thi công vụ trên môi trường mạng còn chậm. Nhận thức của một số cán bộ, lãnh đạo, công chức đối với sự thích ứng để thay đổi chưa thật sự sâu sắc, đầy đủ, ảnh hưởng đến quá trình dẫn dắt sự thay đổi ở các ngành, các cấp. Việc triển khai các chương trình, đề án còn chậm, lúng túng, chưa đồng bộ, chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh từ khâu khảo sát hiện trạng để đặt ra mục tiêu, đề bài đến khâu triển khai thủ tục, thẩm định đầu tư. Sự đồng hành tham gia của DN, người dân với chính quyền chưa nhiều.
Đứng trước thời cơ, thách thức trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang chuyển động, từ thực tế quá trình triển khai thực hiện, BR-VT luôn trăn trở làm sao để chuyển động thật nhanh, có những bước đi vững chắc, đồng bộ, sẵn sàng thích ứng, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị; chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025. Do đó, tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề: các điều kiện cần thiết để chuyển đổi số, vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội, vai trò của DN trong việc hỗ trợ, phối hợp với chính quyền trong chuyển đổi số; tăng cường công tác cải cách hành chính thông qua việc áp dụng CNTT và chuyển đổi số; giải pháp về an ninh mạng trong chuyển đổi số…
Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số giữa Bộ TT-TT và tỉnh BR-VT.
Bộ TT-TT vạch ra tầm nhìn chuyển đổi số của tỉnh BR-VT là phát triển hạ tầng đồng bộ (hạ tầng số, hạ tầng giao thông thông minh, hạ tầng cảng biển thông minh); hạ tầng đô thị thông minh (thí điểm đô thị thông minh, giải quyết vấn đề đô thị, nâng cao chất lượng sống); trở thành điểm đến công nghệ (ở Vũng Tàu, làm việc toàn cầu; trung tâm sự kiện công nghệ); phát triển chính quyền số (dịch vụ công trực tuyến, đo lường tự động, thu hút đầu tư); phát triển kinh tế số (chuyển đổi số du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển DN số); phát triển xã hội số (y tế số, giáo dục số).
(Nguồn: Bộ TT-TT)
|
Chuyển đổi số sẽ giúp các DN tiếp cận thông tin một cách minh bạch. Trong ảnh: Theo dõi hệ thống sản xuất tự động tạo nhà máy thép Tung Ho (TX. Phú Mỹ). |
Bài, ảnh: QUANG VŨ