CUỘC THI "ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NGÀNH KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN HẢI SẢN TỈNH BR-VT NĂM 2020"

Nhiều giải pháp mang tính ứng dụng thực tiễn cao

Thứ Ba, 08/12/2020, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 2 tháng phát động, cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành khai thác và chế biến hải sản tỉnh BR-VT năm 2020” đã nhận được gần 100 giải pháp, ứng dụng dự thi. Trong đó, nhiều giải pháp mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Ban tổ chức trao giải và tặng hoa cho các tác giả đạt giải.
Ban tổ chức trao giải và tặng hoa cho các tác giả đạt giải.

Giải nhất của cuộc thi là dự án “Thiết bị an toàn cho ngư phủ làm việc trên tàu đánh cá xa bờ” của 2 HS Bùi Đình Quang Anh và Nguyễn Quang Khởi (lớp 12A15 trường THPT Vũng Tàu). Dự án này có tính thiết thực, khả thi, có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn. Theo đó, thiết bị an toàn cho ngư dân gồm 2 modun, 1 cái gắn trên tàu và 1 cái gắn trên người ngư dân. Khi đeo modun này, nếu ngư dân vượt qua phạm vi an toàn so với tàu, máy chủ sẽ phát ra tín hiệu để kịp thời ứng cứu, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc trên biển. “Nhóm em đã có thiết bị mẫu và đang gửi Công ty đóng tàu Anh Tú (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) thử nghiệm. Dự kiến, khi bán ra thị trường, thiết bị này có giá khoảng hơn 200 ngàn đồng/cái”, Quang Anh cho biết.

“Sổ nhật ký khai thác thủy hải sản điện tử” do các giảng viên và SV đến từ Trường ĐH Thủy sản Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nghiên cứu là 1 trong 4 giải pháp đạt giải tiềm năng tại cuộc thi và được Ban tổ chức đánh giá cao. Ông Trần Văn Hào, giảng viên Viện Khoa học Công nghệ, ĐH Thủy sản Nha Trang cho biết, theo Thông tư 21/2018/Bộ NN-PTNT, tàu cá từ 12m trở lên phải ghi sổ nhật ký khai thác với 35 thông tin trong quá trình đánh bắt. Tuy nhiên, điều kiện trên biển sóng to, gió lớn, ngư dân làm việc mệt nhọc, nên việc ghi chép thủ công sẽ không tránh khỏi sai sót. Vì vậy, năm 2018, nhóm giảng viên - SV Trường ĐH Thủy sản Nha Trang đã nghiên cứu ứng dụng “Sổ nhật ký khai thác thủy hải sản điện tử” để ngư dân sử dụng miễn phí. Gần 2 năm qua, nhóm giảng viên - SV của trường phối hợp với Hiệp hội cá ngừ đại dương Việt Nam đã và đang thí điểm ứng dụng này tại 3 tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên trên 18 tàu cá.

Với ứng dụng này, ngư dân chỉ cần có điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android và chỉ cần nhập 2 trường thông tin là loại cá và cân nặng; 33 thông tin còn lại như ngày giờ, thời gian thu, tọa độ thu, tọa độ thả… sẽ được ứng dụng tự động tích hợp với hệ thống định vị của tàu cá để cập nhật thông tin. Khi về bờ, ngư dân bấm nút nộp nhật ký, thông tin được chuyển lên website, cơ quan quản lý sẽ mở và quản lý các dữ liệu này. “Chúng tôi mong muốn hợp tác với các công ty cung cấp thiết bị máy định vị VMS để có sản phẩm hoàn hảo nhất phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển”, ông Hào cho biết thêm.

Trong khi đó, dự án “Ứng dụng công nghệ đá sệt bảo quản sản phẩm có giá trị kinh tế cao trên tàu khai thác xa bờ” của Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam được xem là giải pháp hữu ích trong việc bảo quản sau thu hoạch. Ông Đinh Xuân Hùng, Trưởng phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam cho biết, lâu nay, các chuyến đánh bắt xa bờ của ngư dân đều phải bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng đá nước ngọt mang từ bờ ra. Do thời gian bảo quản không được lâu nên ngư dân phải bán hải sản ngay sau khi đánh bắt trên biển, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, BR-VT là khu vực có nhiều lợi thế và tiềm năng trong ngành khai thác và chế biến hải sản. Do đó, cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành khai thác và chế biến hải sản tỉnh BR-VT năm 2020” được tổ chức nhằm tìm kiếm, phát triển các giải pháp sáng tạo, công nghệ tiềm năng để giải quyết các vấn đề trong chuỗi cung ứng ngành khai thác và chế biến hải sản. Qua đó, nâng cao chuỗi giá trị ngành khai thác và chế biến thủy sản, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành cũng như môi trường.

“Ứng dụng công nghệ đá sệt bảo quản sản phẩm có giá trị kinh tế cao trên tàu khai thác xa bờ”, gồm máy sản xuất đá sệt, hầm bảo quản và hệ thống điện với công suất sản xuất 4 tấn đá/ngày từ nước biển ở vùng đánh bắt. Như vậy, việc sản xuất đá để ướp hải sản sẽ chủ động hơn. Đặc biệt, nhiệt độ của đá sệt là -3 độ C có thể kéo dài thời gian ướp hải sản trong vòng 30 ngày, trong khi đá thông thường có nhiệt độ 0 độ C, chỉ có thể ướp hải sản trong vòng 12 ngày. “Nhiệt độ âm sâu hơn, thời gian ướp hải sản lâu hơn, phù hợp với chuyến biển dài 25-30 ngày nên ứng dụng này rất phù hợp với nghề lưới rê, chụp, câu… Giá bán hiện tại mỗi mô hình này là 300 triệu đồng. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thay thế các vật liệu sản xuất trong nước để giảm giá thành sản phẩm”, ông Hùng thông tin thêm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.