Theo lộ trình, năm 2020, BR-VT sẽ chuyển đổi mô hình xử lý rác từ chôn lấp sang công nghệ tiên tiến để tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường. Vậy nhưng, đến nay các dự án nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến vẫn chưa đi đến đâu. Lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTR) chắc hẳn sẽ phải lùi thêm.
Hiện nay tỉnh BR-VT đang xử lý rác bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ). |
CÁC DỰ ÁN XỬ LÝ RÁC CHẬM TRIỂN KHAI
Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh đến năm 2020 xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý CTR sinh hoạt. Theo đó, trong năm 2017, hoàn thành việc đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt thành phân bón compost của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc; năm 2017-2018 đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ); năm 2020 đầu tư và xử lý dứt điểm lượng rác tồn đọng hơn 70.000 tấn tại Côn Đảo. Mục tiêu đến năm 2021, BR-VT sẽ chấm dứt việc chôn lấp CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang xử lý bằng các công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường…
Gắn liền với đầu tư công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thì một vấn đề khác cần được quan tâm là xây dựng ý thức phân loại rác tại nguồn. Trong ảnh: Các em nhỏ bỏ rác vào thùng rác phân loại tại Công viên Lê Lợi - Quang Trung - Bacu (TP. Vũng Tàu). |
Tuy nhiên, những mục tiêu này đến nay đều dang dở mà nguyên nhân chính là các nhà đầu tư đã không thực hiện được các dự án như cam kết. Đối với Dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt thành phân bón compost của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc, sau vài năm được di dời vào Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ), dự án mới chỉ có một nhà xưởng diện tích khoảng 200m2. Ngoài ra, Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc chưa đầu tư bất cứ hạng mục nào. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2017 (với diện tích khoảng 8ha, công suất xử lý CTR lên tới 500 tấn/ngày). Theo đó, dự án phải đưa vào vận hành sau 14 tháng kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sở dĩ dự án này chậm tiến độ như vậy là do chủ đầu tư khó khăn về tài chính và vướng một số thủ tục pháp lý.
Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư xử lý CTR sinh hoạt, nhưng chỉ có 1 dự án đang hoạt động. 2 dự án chậm triển khai gồm dự án của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc và Công ty TNHH Green HC. Dự án của Công ty TNHH Green HC được đầu tư tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ), có diện tích sử dụng đất khoảng 20ha. Mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 sẽ đưa vào sử dụng khu chôn lấp chất thải sinh hoạt khoảng 149 tấn/ngày và sẽ vận hành vào quý III năm 2018. Giai đoạn 2 của dự án là nhà máy đốt CTR sinh hoạt với công suất 150 tấn/ngày sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2019. Tuy nhiên, đến nay, khu chôn lấp của giai đoạn 1 Công ty TNHH Green HC vẫn chưa được đưa vào vận hành; đồng thời, việc đầu tư nhà máy đốt cho giai đoạn 2 của Công ty cũng chưa hoàn thành.
Riêng 70.000 tấn CTR sinh hoạt tồn đọng hơn 20 năm tại huyện Côn Đảo luôn nằm trong danh sách các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác BVMT, giải quyết trước mùa mưa năm 2018. Nhưng đến nay, đã qua 2 mùa mưa nữa, 70.000 tấn CTR này vẫn chưa được xử lý.
CẦN CÓ NHỮNG RÀNG BUỘC CHẶT CHẼ HƠN
Theo Sở Xây dựng, trước đây, công nghệ xử lý chất thải chưa phổ biến, việc chôn lấp CTR sinh hoạt là giải pháp tình thế. Nhưng về lâu dài, để phát triển bền vững, BR-VT cần phải tính toán đến những giải pháp căn cơ. Trong đó, việc chuyển đổi mô hình xử lý CTR gắn với quá trình phân loại chất thải tại nguồn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, với thực tế đầu tư của các dự án xử lý CTR như đã nêu thì rõ ràng đến năm 2021, BR-VT vẫn đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiếp nhận và xử lý CTR sinh hoạt bằng việc chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina mà chưa thể chuyển đổi bằng mô hình nào tiên tiến hơn.
Mới đây, trong chuyến đi khảo sát về việc thực hiện chuyển đổi từ chôn lấp CTR sinh hoạt sang công nghệ tiên tiến, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, không thể phụ thuộc vào một giải pháp để làm chậm cả một lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý CTR sinh hoạt. Về dự án của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc và Công ty TNHH Green HC, lãnh đạo HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đồng thời đưa ra cam kết về lộ trình thực hiện dự án với chủ đầu tư, nếu không đúng như cam kết thì thu hồi dự án.
Áp lực về rác thải sinh hoạt ngày càng lớn
Theo báo cáo của Sở TN-MT, trước đây mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh 760 tấn CTR sinh hoạt. Nhưng từ năm 2018 đến nay, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại 7 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh ước khoảng 920 - 950 tấn/ngày. Riêng huyện Côn Đảo khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại huyện tăng từ 15 tấn/ngày lên 22,5 tấn/ngày (tăng 37,5%). Trong khi đó, theo dự báo của Sở Xây dựng, lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 350 tấn/ngày chỉ sau vài năm nữa. Do đó, nếu không quyết liệt trong việc chuyển đổi mô hình xử lý CTR sinh hoạt thì áp lực về xử lý rác trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn.
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ