Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2018-2019” đã kết thúc sau 8 tháng phát động. 15 dự án đạt giải trong số 66 dự án tham gia đều là những dự án rất gần gũi với cuộc sống, có tính khả thi cao.
Dự án “Rơm hí hoáy” đã đến với 90 trường học trên địa bàn TP. Vũng Tàu. |
NHIỀU DỰ ÁN ĐI VÀO THỰC TIỄN
Giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo” năm nay là một dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân xứ biển. Đó là dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt” do thạc sĩ Trần Thái Sơn (SN 1986, giảng viên Khoa Cơ khí Trường Đại học BR-VT) làm chủ nhiệm. “Các tàu cá đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Khi ra khơi, mỗi tàu cá chỉ có thể mang theo được 4-6 khối nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho khoảng 10 thuyền viên. Do vậy, các tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên thiếu nước ngọt. Mỗi khi hết nước ngọt, ngư dân phải bỏ ngư trường đi vào các đảo để tiếp nước. Việc này vừa giảm năng suất đánh bắt, lại vừa tốn nhiên liệu. Từ thực tế đó, trong quá trình học thạc sĩ ở Đức, tôi đã tìm hiểu công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để phục vụ ngư dân”, anh Sơn kể.
Sản phẩm nước ngọt từ máy lọc nước biển này đã được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn nước uống. Ngay sau khi thử nghiệm thành công trên tàu cá, sản phẩm đã được cung cấp cho các nhà giàn DK1, lực lượng Cảnh sát biển và Hải đoàn 129. Hiện nay, nhóm thực hiện dự án đang sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt để cung cấp cho thị trường. Sản phẩm cũng đã được đối tác tại Campuchia, Philippines, Myanmar và Thái Lan mời chào cung cấp hàng với mức giá bình quân khoảng 50 triệu đồng/máy.
Trong khi đó, “Rơm hí hoáy” là một sân chơi trải nghiệm giáo dục kỹ năng kết hợp với giá trị truyền thống và hiện đại. Tham gia chương trình “Rơm hí hoáy”, các em nhỏ được khám phá sở thích và khả năng của bản thân (ca múa, hội họa, âm nhạc…), khám phá khoa học (làm pháo hoa, làm đèn từ khoai tây, làm hộp bút từ chai lọ…) và trải nghiệm cuộc sống (vào rừng để sống gần gũi thiên nhiên, tham gia nhặt rác để bảo vệ môi trường…). “Rơm hí hóay” còn thu hút cha mẹ tham gia cùng con em với các trò chơi dân gian như nhảy sạp, nhảy dây, chơi ô ăn quan… Dự án đạt giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2018-2019” do chị Nguyễn Thị Bích Diệp (SN 1982, trú tại TP. Vũng Tàu) làm chủ nhiệm.
Chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động, “Rơm hí hoáy” đã đến với 6.000 HS ở 90 trường MN và THCS trên địa bàn TP. Vũng Tàu. “Chúng tôi đang tiếp tục phát triển dự án với mục tiêu năm 2020 sẽ chuyển nhượng thương hiệu “Rơm hí hoáy” đến các tỉnh, thành, đồng thời xuất khẩu mô hình “chợ rơm” sang Mỹ và Đức theo yêu cầu của đối tác”, chị Diệp cho biết.
Ngoài 2 dự án đạt giải cao nhất tại cuộc thi kể trên, các dự án như: Mộc thanh trà Việt Nam, Vỏ bọc cách nhiệt bằng xơ mướp, Lavia: coffee - Kidzone - English, Sữa chua tổ yến Yosanest… đều là những dự án đã triển khai và có khả năng phát triển, mang lại doanh thu và lợi nhuận.
CẦN ĐƯỢC TIẾP SỨC
Ngày 7-3-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 514/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025. Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2025 hỗ trợ ít nhất 750 lượt DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Các nội dung hỗ trợ gồm: Tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, những kết quả hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thời gian qua đã tạo được phong trào khởi nghiệp. Một số DN đã có sản phẩm tốt, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để hỗ trợ phát triển cho cộng đồng DN, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách nhưng chưa có chính sách hỗ trợ riêng đối với loại hình DN khởi nghiệp sáng tạo. Một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của các trường ĐH, CĐ, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội DN cũng đã bước đầu thành lập để hỗ trợ DN khởi nghiệp. “Tuy nhiên, quy mô các chương trình hỗ trợ này còn nhỏ, chủ yếu tập trung vào các hoạt động tập huấn, tọa đàm về khởi sự DN, tư duy khởi nghiệp, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp”, ông Quang nói.
Theo các DN khởi nghiệp, sau cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, BR-VT cần tổ chức các chương trình như: cà phê khởi nghiệp, CLB khởi nghiệp… nhằm kết nối các dự án khởi nghiệp. Đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm kết nối các nguồn lực từ Nhà nước, từ các trường ĐH và tổ chức giáo dục; nguồn lực từ các quỹ, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, doanh nghiệp... nhằm tạo nên phong trào khởi nghiệp rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực. Dự án khởi nghiệp thành công cần phải có những cố vấn tâm huyết, có hiểu biết về lĩnh vực khởi nghiệp và có nguồn vốn đầu tư lớn. Trong đó, chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: Du lịch, dịch vụ logistic, cảng biển, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Bài, ảnh: QUANG VŨ