Thời gian qua, chính quyền và nhân dân các địa bàn trọng điểm du lịch, thuỷ sản trên địa bàn huyện Đất Đỏ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực để giảm thiểu rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Thành viên Tổ Tự quản bảo vệ môi trường biển khu phố Hải Sơn (thị trấn Phước Hải) phát bao rác cho các chủ thuyền thúng. |
Thị trấn Phước Hải với thế mạnh về ngư nghiệp lẫn du lịch, dân cư sinh sống chủ yếu ven tỉnh lộ 44 và tuyến đường ven biển. Thời gian qua, địa phương đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn khoảng trên 10 tấn; lượng rác thải dọc bờ biển vào mùa gió nam khoảng 3-5 tấn/ngày. Lượng rác thải từ sinh hoạt, chế biến thủy hải sản đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và du khách.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, thị trấn Phước Hải đã đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện vệ sinh môi trường như: tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng đoàn viên, hội viên và người dân; xây dựng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, ký cam kết với những hộ chế biến thủy hải sản, bố trí các phương tiện thu gom rác trên tuyến đường ven biển. Đến nay 10/10 khu dân cư với 99% hộ dân trên địa bàn thị trấn đăng ký thu gom rác tại nhà. Ngoài ra, một số người dân địa phương đã có sáng kiến đặt thùng rác công cộng ngay vỉa hè để tiện gom rác. Bà Lê Thị Bích Liên (thị trấn Phước Hải) cho biết: “Ban đầu chỉ vài người thực hiện, nhưng rồi nhiều gia đình khác thấy rõ việc bỏ rác vào thùng văn minh, sạch sẽ nên đã thực hiện theo. Đến nay dọc theo tuyến kè biển đi qua khu dân cư của thị trấn có thêm 29 thùng rác công cộng để thu gom rác do người dân tự làm”.
Ông Võ Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải cho biết thêm, riêng dọc bờ biển, đầu năm 2018, địa phương đã thuê đơn vị bên ngoài thu gom, xử lý rác đoạn từ dọc khu Mộ Ông đến khu du lịch Tam Ngư và giao cho mỗi khu phố quản lý một đoạn. Rác thải từ các khu dân cư và rác dọc bờ biển sau khi thu gom được đưa về trạm trung chuyển rác tập trung tại thị trấn, sau đó Công ty Công trình Đô thị huyện sẽ vận chuyển về khu xử lý rác tập trung tại TX.Phú Mỹ.
Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tình trạng rác thải dưới bãi biển từ các đò ngang, thuyền thúng địa phương sau khi sơ chế thủy sản tự phát, thị trấn Phước Hải đã quy hoạch địa điểm cố định cho khoảng 100 đò ngang, thuyền thúng neo đậu, đồng thời giao cho khu dân cư quản lý, tổ chức cho các hộ ngư dân cam kết thu dọn rác và phế thải sơ chế cá tôm sau mỗi chuyến biển. Ngày 13-2-2019 vừa qua, khu phố Hải Sơn đã thành lập mô hình Tổ tự quản vệ sinh môi trường biển. Ông Nguyễn Hữu Điền, Trưởng khu phố Hải Sơn cho biết, tổ có trách nhiệm quản lý công tác vệ sinh môi trường khu neo đậu thúng, đò ngang; tổ chức thu gom rác thải, phế phẩm và thu phí vệ sinh môi trường 10.000 - 20.000 đồng/tháng đối với chủ thúng, chủ đò để chi trả cho việc thu gom rác. Mỗi ngày, các thành viên trong tổ xuống tận bãi biển phát bao rác và vận động ngư dân bỏ rác, phế phẩm hải sản sau khi sơ chế vào các bao. Cuối ngày 3 thành viên trong tổ sẽ thu gom rác và đưa về trạm trung chuyển. Nhờ đó, thói quen xả rác bừa bãi trên bãi biển của bà con ngư dân dần thay đổi; môi trường biển đã sạch, đẹp hơn.
Trong khi đó, tại xã Lộc An, việc thu gom rác cũng được chính quyền địa phương triển khai bằng nhiều giải pháp hữu hiệu. Ông Ngô Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, mỗi ngày tổ tự quản của địa phương thu gom khoảng 3 tấn rác. Đến nay đã có 600/821 hộ thuộc các ấp An Hải, An Hòa và một phần ấp An Điền đã đăng ký thu gom rác tại nhà, riêng ấp An Bình do người dân sống xa khu dân cư, có vườn rộng nên tự thu gom và tiêu hủy rác. Địa phương đã hợp đồng với người dân thu gom rác hàng ngày và đưa về trạm trung chuyển rác của huyện để đưa đi xử lý. Riêng lượng rác dọc 500m bờ kè - nơi các thuyền thúng của địa phương neo đậu, chính quyền địa phương xuống tận nơi để tuyên truyền cho người dân, chủ ghe bỏ rác đúng nơi quy định, cam kết không xả rác bừa bãi. Đồng thời tại khu vực này, địa phương cũng đặt 3 thùng rác để người dân bỏ rác thải.
Với các giải pháp trên, môi trường tại 2 xã ven biển đã được cải thiện rõ rệt, lượng rác thải vương vãi trên các tuyến đường, bờ kè đã giảm hẳn. Người dân và du khách đã hài lòng hơn vì nơi đây đang ngày càng xanh – sạch – đẹp hơn.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU