.

"Ươm tạo" những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 16:12, 21/09/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, các ý tưởng khởi nghiệp hay đã được tỉnh hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, tập huấn, marketing, vay vốn ưu đãi... để biến những ý tưởng, dự án đó thành hiện thực, mang lại giá trị thực tiễn cho người dân. Năm 2018, Sở KH-CN tiếp tục lựa chọn 9 dự án khởi nghiệp có tiềm năng để “ươm tạo” nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Dự án Ofarm hướng đến mục tiêu phát triển cây bơ trở thành cây nông nghiệp hữu cơ đặc sản của BR-VT.
Dự án Ofarm hướng đến mục tiêu phát triển cây bơ trở thành cây nông nghiệp hữu cơ đặc sản của BR-VT.

Công ty TNHH Công nghệ tưới Asop (gọi tắt là Asop) được thành lập vào tháng 6-2017 tại xã Bình Giã, huyện Châu Đức. Asop đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống tưới bù áp để đưa nước đi xa hơn. Công nghệ tưới này thích hợp trong việc tưới cây ở những khu vực có địa hình không bằng phẳng. Hệ thống tưới bù áp của Asop có giá trị thực tiễn cao và đã được trao giải Nhất tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2017”.

Theo anh Nguyễn Ngọc Hiển, Giám đốc Asop, năm 2017, doanh thu của công ty đạt 18 tỷ đồng. Sau khi đạt giải Nhất tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2017”, ngoài số tiền thưởng 50 triệu đồng, cái được lớn nhất của công ty chính là thương hiệu Asop đã có chỗ đứng trên thị trường vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm của công ty hiện đã có mặt tại Bình Thuận, Bình Phước, Long An và BR-VT. Thời gian tới, Asop sẽ tiếp tục mở rộng thị trường ở các tỉnh, thành khác để hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 40 tỷ trong năm 2018.

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển KH-CN Việt Nam (SVF) cho biết, năm 2018, UBND tỉnh BR-VT và SVF đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm kết nối nguồn lực thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, SVF sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo khởi nghiệp, kết nối các DN khởi nghiệp với các chương trình hỗ trợ tài chính khởi nghiệp... Công ty TNHH Marisol (926/18, đường 30-4, TP.Vũng Tàu), chuyên sản xuất bóng đèn led tiết kiệm điện cho các tàu cá là một trong những dự án được Sở KH-CN chọn tham gia vào các chương trình đào tạo, gọi vốn khởi nghiệp của SVF. Anh Trần Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Marisol cho biết, SVF đã giúp công ty xây dựng kế hoạch tài chính hoàn hảo, tiếp thêm động lực để có thể khởi nghiệp thành công. Từ việc sản xuất 500 bóng đèn led thử nghiệm, nhờ có sự hỗ trợ của Sở KH-CN, hiện nay, công ty đã sản xuất được 2.000 bóng đèn, bán ra thị trường các tỉnh Tiền Giang, Khánh Hòa và BR-VT.

Hệ thống tưới bù áp đang được nhiều người nông dân tin dùng sau khi đạt giải Nhất tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Công nghệ tưới Asop lắp đặt hệ thống tưới bù áp cho vườn thanh long ở Bình Thuận.
Hệ thống tưới bù áp đang được nhiều nông dân tin dùng sau khi đạt giải Nhất tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Công nghệ tưới Asop lắp đặt hệ thống tưới bù áp cho vườn thanh long ở Bình Thuận.

Tiếp nối các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2018, tỉnh BR-VT đã xây dựng chương trình “Ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Qua chương trình này, tỉnh đã chọn được 9 dự án để “ươm tạo”. Các dự án được chọn “ươm tạo” đa dạng trên nhiều lĩnh vực: Thực phẩm chế biến, ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… do các DN, sinh viên, kỹ sư thực hiện. Các dự án “ươm tạo” khởi nghiệp của tỉnh sẽ được tham gia các chương trình đào tạo do các chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp, quản trị trong và ngoài nước giảng dạy. Ngoài ra, các chủ dự án sẽ được nhiều quyền lợi như: Được các doanh nhân thành công đi trước cố vấn trong quá trình khởi nghiệp; được tiếp cận mạng lưới các trung tâm ươm tạo, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm của SVF và đối tác của chương trình; được hỗ trợ về thương mại hóa sản phẩm; được nhận vốn đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư, quỹ đầu tư; được ưu tiên xét duyệt tham gia các chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh.

Đến nay, một số dự án đã thành công bước đầu, trong đó có thể kể đến dự án Ofarm do ông Đỗ Xuân Tâm làm chủ nhiệm. Dự án này nhằm nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong trồng và chế biến bơ chất lượng cao cung cấp cho thị trường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và BR-VT. Từ đó, xây dựng cây bơ trở thành một cây ăn trái tiêu biểu của BR-VT. Ông Đỗ Xuân Tâm cho biết, sau khi được chọn là 1 trong 9 dự án “ươm tạo” khởi nghiệp của tỉnh, nhóm thực hiện dự án đã được tư vấn, đào tạo và xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, dự kiến, trong năm 2019, dự án Ofarm sẽ sản xuất và cung cấp thị trường 5.000 cây bơ giống và bán ra 50 tấn trái bơ tươi các loại.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.