.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học- công nghệ vào nông nghiệp

Cập nhật: 17:13, 19/09/2018 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) được tỉnh BR-VT xác định là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa xu thế đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp được xem là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành công của nông nghiệp CNC.

Người dân thu hoạch hàu Thái Bình Dương trên sông Chà Và.
Người dân thu hoạch hàu Thái Bình Dương trên sông Chà Và.

Theo thống kê của Sở KH-CN, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình nông nghiệp CNC. Tỷ trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh đã đạt gần 30%. Các mô hình nông nghiệp CNC của tỉnh tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10-12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25-30%.

Nông trại Sao Mai (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) rộng gần 4ha, với 2 khu nhà màng rộng khoảng 3.500m2, 1 nhà lưới rộng 12.200m2 trồng rau, củ, quả. Nông trại Sao Mai rất sạch sẽ và ngập tràn màu xanh: Không bê bết bùn đất, không dùng thuốc bảo vệ thực vật… Khi chúng tôi đến thăm, hơn chục loại rau, củ như: Rau dền, rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, cà chua, khổ qua ở nông trại đang vào độ thu hoạch. Ông Lưu Sơn Tùng, chủ nông trại cho biết, rau ở đây được trồng theo 2 phương pháp thủy canh hồi lưu không cần đất và điền canh hữu cơ. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng phương pháp trồng này vừa cho rau sạch, vừa tiết kiệm diện tích đất, tiết kiệm nhân công. Hiện mỗi tháng, nông trại bán ra thị trường 3,5 tấn rau, củ sạch các loại.

Cùng với mô hình ứng dụng CNC trong trồng rau, củ, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình NNCNC như: Trồng nhãn xuồng, mãng cầu, trồng hoa lan, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ chuẩn VietGAP, trồng tiêu theo mô hình GlobalGAP, nuôi hàu Thái Bình Dương, nuôi cá diêu hồng… mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Nguyễn Văn Quang là chủ một trại nuôi cá diêu hồng có quy mô lớn ở xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ). Mặc dù cá diêu hồng khó nuôi (thường thích hợp với hình thức nuôi trong lồng bè) nhưng anh Quang đã ứng dụng KH-CN để nuôi cá thành công trong ao đất. Theo đó, ao nuôi được cải tạo theo tuần tự: Bơm cạn nước, vét bùn nền đáy ao, bón vôi khử phèn độc tố tiềm tàng trong ao với liều lượng từ 10-15 kg/100m2, phơi ao khoảng 1 tuần, rồi tiến hành cấp nước sạch vào ao qua cống có ngăn lưới ở miệng không cho cá tạp và cá dữ vào ao nuôi. Với diện tích ao 1.000m2, độ sâu từ 0,8-1,5m, anh Quang thả 10.000 con cá giống, sau 7 tháng thu hoạch 1 lần, năng suất khoảng 3 tấn/vụ. Với giá bán 28.000-30.000 đồng/kg như hiện nay, anh Quang lời vài chục triệu đồng/vụ.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, việc áp dụng KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp là điều cần thiết, đặc biệt là với các mô hình nông nghiệp CNC. BR-VT đã có nhiều chính sách thông thoáng để đẩy mạnh việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp như: Tạo quỹ đất sạch để thu hút DN đầu tư nông nghiệp CNC, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KH-CN về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngoài ra, những năm gần đây, Sở KH-CN còn tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH-CN vào sản xuất, hỗ trợ DN và người nông dân ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,3 lần so với hiện nay nhờ ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp CNC; tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân để sản xuất những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức, cá nhân đã đầu tư mô hình trồng trọt ứng dụng CNC với diện tích sản xuất hơn 1.047ha, chuyên trồng các loại dưa lưới, bưởi da xanh, chuối, rau ăn lá… với sản lượng đạt 24.582 tấn/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 65 trang trại chăn nuôi heo thịt, 28 trang trại nuôi heo nái, 22 trang trại nuôi gà thương phẩm, 2 trang trại nuôi vịt đẻ trứng, 2 trang trại nuôi gà giống… ứng dụng CNC. Về lĩnh vực thủy sản, có 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống thủy sản ứng dụng CNC.

 

.
.
.