Thích Ca Phật đài nằm ở sườn Bắc của Núi Lớn, TP. Vũng Tàu. Là một quần thể gồm 4 ngôi chùa và 1 vườn tượng, với bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu ni tọa thiền nổi tiếng, cụm kiến trúc Thích Ca Phật đài kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã tạo nên một thắng cảnh độc nhất vô nhị ở các tỉnh khu vực phía Nam.
Tượng voi và khỉ dâng hoa lên Đức Phật. |
Cuối những năm 1940 của thế kỷ trước, Đại Đức Narada Maha Thera từ Ấn Độ sang Việt Nam thuyết giảng giáo lý Nam Tông. Khi đến Núi Lớn Vũng Tàu, Đại Đức vô cùng kinh ngạc trước vẻ đẹp huyền bí nơi đây, ngài tỏ ý nguyện muốn dựng một ngôi chùa tại vùng này.
Năm 1957, một vị quan phủ từng tháp tùng Đại Đức Narada Maha Thera thăm Núi Lớn, lúc hồi hưu đã đứng ra khởi dựng chùa Thiền Lâm dưới chân Núi Lớn theo ý nguyện của Đại Đức Narada để xuất gia tu hành. Hơn 10 năm sau, Đại Đức Narada Maha Thera trở lại Việt Nam giảng pháp, ngài về lại Núi Lớn thăm chùa Thiền Lâm. Tại đây, ngài đã trồng một cây bồ đề mang theo từ cố đô Anuradhapura thuộc Sri Lanka, gốc chiết từ cây bồ đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, nơi Đức Phật đã giác ngộ.
Nhận thấy phong cảnh thiên nhiên chùa Thiền Lâm vô cùng ngoạn mục, vị trí lại thuận tiện cho khách hành hương đến chiêm bái nên các phật tử đã tự nguyện đóng góp tiền của để tôn tạo, xây dựng cụm kiến trúc Thích Ca Phật đài với 4 ngôi chùa: Thiền Lâm, Hộ Pháp, Di Lặc, Viên Thông, cùng nhiều công trình Phật giáo đặc sắc trên khuôn viên rộng 28ha.
Nét độc đáo của Thích Ca Phật đài chính là sự hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Khuôn viên Thích Ca Phật đài như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp, cao dần từ 3m đến 29m so với mực nước biển. Cấp 1 là tam quan và khu vườn hoa. Cấp 2 là khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống. Cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật tích gồm các công trình kiến trúc và điêu khắc, với nhiều tượng Phật lớn nhỏ ở nhiều tư thế, kiểu dáng khác nhau.
Nổi bật nhất là tượng kim thân Phật Tổ, được gọi là Thích Ca Phật đài, bên trong có 16 viên ngọc xá lợi. Đó là bức tượng lộ thiên thể hiện Đức Phật Thích Ca Mâu ni tọa thiền trước cội bồ đề do Đại Đức Narada trồng năm 1960. Phần bệ tượng cao 7m, có hình đồ hình bát giác, tượng trưng bát chánh đạo. Phần tượng Phật ngồi cao 6m, gồm 3 phần riêng biệt, tòa sen có đường kính 4m, phần còn lại là thân tượng và đầu tượng. Tất cả được đúc bằng bê tông cốt thép.
Bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác, cao 17m, trên đỉnh có búp sen, bên trong có 13 viên ngọc xá lợi Phật đựng trong chiếc hộp bằng vàng, do Đại Đức Narada Maha Thera cúng dường. Lối lên bảo tháp đắp hình rồng, 2 bên có đôi sư tử chầu tượng trưng cho Đại Hùng, Đại Lực. Dưới chân tháp có một thích án để thờ, trên khắc chữ: “Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật”. Dưới 4 cạnh chân bảo tháp bát giác đặt 4 cái đỉnh lớn, bên trong đặt 4 nắm đất thiêng được thỉnh từ những nơi Đức Phật ra đời, thành đạo, truyền đạo và nhập Niết Bàn.
Vườn tượng với nhiều tượng Phật diễn tả cuộc đời Đức Phật. Bức tượng đầu tiên mô tả Đức Phật đản sanh một tay chỉ lên trời. Tiếp theo là tượng Đức Phật xuất gia đang xuống tóc, tượng Đức Phật thành đạo. Bức tượng cuối cùng là tượng Đức Phật nhập Niết Bàn quay về hướng Tây, cao 2,4m, dài 12,2m, bên dưới có 9 tỳ khưu đứng chắp tay. Trong khuôn viên Thích Ca Phật đài còn có tượng Phật nằm, Phật Di Lặc, Hộ Pháp và quần thể tượng voi, khỉ... dâng hoa quả cho Đức Phật.
Thích Ca Phật đài là một danh thắng nổi tiếng bậc nhất ở Vũng Tàu và các tỉnh, thành phía Nam. Hàng năm, nơi đây tiếp đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.
Năm 1989, cụm kiến trúc Thích Ca Phật đài đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
TRẦN QUANG VINH