Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đề nghị hỗ trợ gửi tin nhắn SMS vận động người dân và du khách hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi đến Côn Đảo.
Động thái này là rất cần thiết trong bối cảnh Côn Đảo đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác. Hiện tại, khoảng 100 ngàn tấn rác còn tồn đọng ở huyện đảo, trong khi mỗi ngày chỉ đốt được khoảng 5 tấn, chỉ bằng 1/5 so với lượng rác thải ra.
Những năm gần đây, huyện Côn Đảo đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế rác thải, nhất là rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Trong đó, Đề án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Địa phương này cũng đã thực hiện thành công chiến dịch “Giỏ lễ xanh” vận động người dân và du khách dùng vật liệu thân thiện môi trường thay thế mút xốp và đồ nhựa dùng một lần trong các giỏ lễ khi dâng hương, cúng bái tại Nghĩa trang Hàng Dương; yêu cầu du khách không đốt vàng mã. Từ ngày 1/1/2025, chiến dịch bước sang giai đoạn 4 triển khai đồng loạt hàng ngày tại tất cả di tích trên toàn huyện.
Rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn của toàn cầu. Do tính tiện dụng, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, các loại đồ nhựa dùng một lần ngày càng phổ biến. Ước tính mỗi năm thế giới thải ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa, riêng ở Việt Nam là khoảng 1,8 triệu tấn, phần lớn trong số đó là túi nylon.
Nhiều quốc gia đã tìm cách giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như ly giấy, ống hút giấy, ống hút bằng cỏ, túi vải, túi giấy… Dù vậy, các vật liệu thay thế này hiện vẫn có chi phí cao hơn đồ nhựa dùng một lần. Vì vậy, chúng chưa được dùng phổ biến, khiến việc hạn chế rác thải nhựa gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, giải pháp hiệu quả và bền vững nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, từng bước thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Phạm vi hạn chế, tiến tới cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần được áp dụng tại một địa bàn nhất định, sau khi thành công sẽ nhân rộng ra xung quanh.
Trước Côn Đảo, nhiều huyện đảo trong nước đã thực hiện thành công việc cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như: Cù lao Chàm (Quảng Nam); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Phú Quý (Bình Thuận) hay Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Ở các địa phương này, việc cấm đồ nhựa dùng một lần đã được thực hiện nhiều năm, trở thành nếp sinh hoạt được du khách và cộng đồng dân cư đồng thuận.
Tại Côn Đảo, nhiều khách sạn, resort, cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng đã dùng vật liệu thân thiện môi trường thay thế đồ nhựa dùng một lần. Đây chính là cơ sở quan trọng để tiến tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa ở huyện đảo này. Với đặc thù là huyện đảo, việc kiểm soát lượng đồ nhựa dùng một lần do du khách mang theo hoàn toàn khả thi nếu có giải pháp phù hợp. Mặc dù việc này đòi hỏi thêm thời gian, công sức và chi phí, nhưng với kinh nghiệm và thành quả đạt được từ chiến dịch “Giỏ lễ xanh”, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Côn Đảo sẽ tiếp tục thành công, trở thành hình mẫu tiêu biểu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
ĐỨC NGUYÊN