Cuối tháng 3/2025, cùng với dòng người từ khắp muôn nơi, chúng tôi về miền đất Phật Ấn Độ, nơi mang trong mình những nét đẹp văn hóa tôn giáo được duy trì qua hàng nghìn năm lịch sử.
![]() |
Du khách các nước tham quan vườn Sarnath. |
Chiêm ngưỡng Bodh Gaya
Chuyến bay mang số hiệu 6E1632 của hãng hàng không Indigo cất cánh từ sân bay Nội Bài, Hà Nội lúc 3 giờ sáng và đáp xuống Kolkata, thành phố tọa lạc ở phía Đông Ấn Độ bên bờ sông Hooghly vào lúc 5h cùng ngày. Thời tiết khá mát mẻ. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi lại tiếp tục nối chuyến bay nội địa đến Gaya và đáp xuống nơi đây sau hơn 2 giờ bay. Dù phải di chuyển liên tục nhưng cả đoàn không ai thấy mệt mỏi, bởi tâm trạng háo hức chờ đợi được khám phá, chiêm ngưỡng một trong tứ thánh tích Phật giáo, đó là Bodh Gaya (hay còn gọi là Bồ Đề Đạo Tràng).
Dùng cơm trưa và nghỉ ngơi khoảng 30 phút, đoàn chúng tôi đến thị trấn Bodh Gaya, nằm ở phía đông nam bang Bihar. Đây được xem là thánh địa quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo, nơi mà Đức Phật Thích Ca đã đạt được giác ngộ sau 49 ngày ngồi dưới cội bồ đề.
Từ khách sạn đến Bồ Đề Đạo Tràng khá gần, khoảng 5 phút đi bộ. Trước khi đi, anh Ngô Viết Lãm, hướng dẫn viên dặn dò không được mang máy ảnh, điện thoại vào bên trong. Chúng tôi phải qua 2 lần cửa kiểm tra an ninh, nam đi bên nữ một bên và được nhân viên kiểm tra, rà máy dò khá kỹ. Giày dép cũng được để phía bên ngoài.
Ấn tượng đầu tiên là vẻ đẹp huyền bí của tháp trung tâm chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ), nằm ở quần thể di tích Bodh Gaya, một trong những công trình kiến trúc sớm nhất và hoành tráng nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7. Theo lời anh Ngô Viết Lãm, đây được coi là một ví dụ điển hình của một công trình gạch Ấn Độ và có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của các truyền thống kiến trúc sau này.
Ngôi chùa này có lịch sử từ khoảng năm 250 TCN, khi hoàng đế Asoka của triều đại Maurya dựng một công trình kỷ niệm việc Phật đạt giác ngộ ở Bodh Gaya. Năm 2002, UNESCO đã công nhận đây là di sản thế giới. Tháp trung tâm (tháp Đại Giác) của đền Đại Bồ Đề cao 55 mét (180 ft) và được cải tạo vào thế kỷ 19. Tháp Đại Giác được bao quanh bởi bốn tháp nhỏ hơn, được xây dựng theo cùng một phong cách. Trên đỉnh tháp chính là một chóp tháp nhọn hình tròn bên trong có chứa xá lợi Phật. Trong lòng tháp là điện thờ chính đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dát vàng cao khoảng 2m, được cho là khoảng 1.550 năm tuổi.
Rất đông du khách, Phật tử của Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới như Thái Lan, Sri Lanka, Nepal… xếp hàng dài để vào tham quan, hành lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng. Chúng tôi gặp khá nhiều đoàn đến từ Việt Nam, cảm giác thật thân quen và gần gũi.
![]() |
Một ngôi đền tại khu thánh tích Kushinagar – nơi đức Phật nhập Niết bàn. |
Thánh tích Kushinagar - nơi Đức Phật nhập Niết Bàn
Rời Bồ Đề Đạo Tràng sau hơn 1 ngày tham quan, chiêm bái, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thánh tích Kushinagar (Câu Thi Na) tại bang Uttar Pradesh. Đây là nơi Đức Phật nhập diệt dưới tàng cây sa la. Cũng giống như 3 thánh tích khác có liên quan đến cuộc đời Đức Phật, Kushinagar từng là thánh địa để các Phật tử về chiêm bái. Nơi đây đã tồn tại hàng nghìn tự viện, bảo tháp có từ thế kỷ thứ 3 - 5. Sau khi khai quật lại vào thế kỷ 19, các nhà khảo cổ đã phát hiện những mảnh vỡ của tượng Phật, các cột trụ và bia ký.
Bước vào thánh tích Kushinagar, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi được chiêm ngưỡng là tháp Đại Niết Bàn và chùa Niết Bàn. “Chùa Niết Bàn có một kiến trúc rất riêng so với các loại kiến trúc chùa tháp khác mà chúng ta từng thấy, với chiều cao khoảng 45m, đường kính khoảng 10m và được xây dựng để thờ tượng Phật nhập Niết Bàn”, anh Ngô Viết Lãm giới thiệu thêm.
Lumbini - nơi Phật ra đời
Muốn đến Lumbini (hay còn gọi là Lâm Tì Ni), một trong bốn thánh tích Phật giáo quan trọng nhất, chúng tôi phải nhập cảnh vào Nepal. Nơi đây khá gần với Kushinagar nên việc di chuyển cũng khá dễ dàng, thủ tục nhập cảnh nhanh chóng.
Nằm ở vùng đồng bằng Terai, miền nam Nepal, Lumbini từng bị lãng quên cho tới năm 1896, khi các nhà khảo cổ học phát hiện trụ đá của vua Mauryan Asoka (vua A Dục), có nguồn gốc từ năm 249 TCN. Trên đó có ghi sắc lệnh, cho biết đây là nơi hoàng hậu Maya Devi sinh thái tử Siddhartha Gautama (thái tử Tất Đạt Đa) năm 623 TCN.
Khu di tích bao gồm hồ Shakya, đền thờ hoàng hậu Maya Devi, cột trụ vua A Dục làm bằng đá sa thạch. Ngoài ra còn có tự viện Viharas và phần còn lại của bảo tháp Phật giáo có nguồn gốc từ thế kỷ 3 TCN. Năm 1997, UNESCO đã công nhận nơi đây là di sản văn hóa thế giới.
Đầu tiên, chúng tôi ghé thăm công viên Lumbini, một kiến trúc nổi tiếng của kiến trúc sư Nhật Kenzo Tange khởi công xây dựng từ năm 1978. Ngay giữa công viên là một con kênh dài, nước trong xanh và lặng ngắt như tờ. Một đầu kênh là đền Maya Devi. Đầu này có ngọn lửa tượng trưng hòa bình vĩnh cửu và theo lời kể thì đây là ngọn lửa được thắp từ năm 1986, đến nay chưa từng bị tắt.
Có khá nhiều thời gian ở Nepal nên đoàn chúng tôi thong thả chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí nhưng cũng rất đỗi thanh bình, mát mẻ trong toàn khu di tích.
Vườn Sarnath, nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên
Điểm cuối trong chuyến hành trình về miền đất Phật, một thánh tích không thể không ghé thăm là Sarnath hay còn gọi là vườn Lộc Uyển, cách thành phố Varanasi, Ấn Độ khoảng 10km, nơi Đức Phật giảng pháp. Trước đây, khu vườn có tên gọi là Mrigadava, có nghĩa là vườn nai. Theo điển tích, sau khi giảng kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 vị tỳ kheo, Đức Phật đã ở lại tịnh xá trong vườn Lộc Uyển vào mùa mưa. Nơi đây cũng gắn liền với tích 60 vị tăng gia du hành khắp nơi để giảng Phật pháp và đắc quả A la hán.
Người Ấn Độ vẫn truyền tai nhau rằng “Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”. Và điều thú vị ở thành phố cổ Varanasi còn là nơi dòng sông Hằng nổi tiếng có ảnh hưởng sâu sắc đối với lịch sử văn minh Ấn Độ suốt hơn 5.000 năm qua. Mọi sinh hoạt của người dân thành phố Varanasi đều gắn liền với con sông huyền thoại này. “Người ta nói rằng hãy đến bên sông Hằng mỗi sớm bình minh, bạn sẽ thấy cả chiều sâu trong văn hóa, lịch sử của Ấn Độ. Đặc biệt, nơi đây mang trong mình những trầm tích thời gian với những câu chuyện kỳ bí nhưng cũng rất đời thường”, anh Vũ Hoàng Hiệp, một thành viên trong đoàn đến từ Đông Đa, Hà Nội chia sẻ sau khi rời sông Hằng để đến với Sarnath.
Cuối tháng 3 là đầu mùa hè của Ấn Độ, thời tiết đã bắt đầu khá nóng, tuy nhiên lại rất mát mẻ vào sáng sớm và buổi tối. Thời gian đẹp nhất của du lịch Ấn Độ là vào mùa đông, từ tháng 10 đến hết tháng 2 năm, khi thời tiết ở khắp các bang đều mát mẻ và dễ chịu. Du khách có thể yên tâm vì các nhà hàng, khách sạn đều soạn sẵn thìa, nĩa, dao (chứ không phải bốc bằng tay). Nếu không ăn được các món nấu từ cà ri và một số gia vị đặc trưng khác của Ấn Độ thì du khách có thể thưởng thức ẩm thực đa dạng từ châu Âu đến châu Á.
Về di chuyển, du khách có thể bay thẳng với hãng hàng không IndiGo từ Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh đến Kolkata, Ấn Độ, rồi bay tiếp đến các thành phố khác. Phương tiện đi lại trong thành phố khá phổ biến là xe Tuk tuk.
|
Hôm chúng tôi đến, Sarnath có rất đông du khách từ muôn phương đến trong chuyến hành hương về miền đất Phật. Trong Sarnath, hầu hết các công trình được phô diễn dưới hình thức tàn tích sau khi được khai quật và trùng tu. Nhưng nổi bật trên nền toàn cảnh là khối tháp Dhamekh, tức tháp Chuyển Pháp Luân hay Chánh Pháp, uy nghiêm và to lớn nhất. Tháp do vua A Dục cho xây dựng vào năm 300 TCN, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi giảng bài pháp đầu tiên cũng như gặp lại năm người bạn đồng tu lúc khổ hạnh. Và Sarnath vẫn luôn là một trong những điểm hành hương của Phật tử khắp nơi trên thế giới và là một trong Tứ thánh tích mà bất kỳ ai cũng mong muốn được một lần đến chiêm bái.
Chuyến hành trình dài gần chục ngày nhưng chúng tôi vẫn chỉ mới khám phá được một phần rất nhỏ của Ấn Độ, nơi hội tụ nhiều âm sắc như một bản giao hưởng du dương, bất tận. Nếu có điều kiện, tôi vẫn muốn đến đây thêm nhiều lần nữa để khám phá và chiêm nghiệm những điều thú vị ở mảnh đất này.
LAM GIANG