Mạo danh Facebook lừa đặt phòng tái diễn tinh vi

Thứ Sáu, 11/04/2025, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Đặt phòng trực tuyến đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều du khách vì sự tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng. Càng đến cao điểm mùa du lịch, tình trạng mạo danh Facebook các khách sạn lớn để lừa đảo xảy ra càng phổ biến.

Các kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để Facebook giả mạo hoạt động lừa đảo bán phòng.  Trong ảnh: Du khách tham quan khu vực Dinh Cô-Long Hải.
Các kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để Facebook giả mạo hoạt động lừa đảo bán phòng. Trong ảnh: Du khách tham quan khu vực Dinh Cô-Long Hải.

Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới

Chị Đ.T.P.D (TP.Hồ Chí Minh) là nạn nhân của thủ đoạn lừa đặt phòng qua mạng. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, chị có kế hoạch du lịch Hồ Tràm, Xuyên Mộc. Lướt web tìm kiếm, hàng loạt resort 4-5 sao hiện ra với view đẹp, hình ảnh, clip lung linh. Sau khi chọn lựa, chị chốt đặt phòng Emerald Ho Tram Resort vì xem Facebook có tích xanh (trang chính chủ), lượng theo dõi lớn với 16 ngàn người. Đáng chú ý hơn nữa, giá phòng giảm 20%, tặng buffet tối, buffet sáng.

“Kỳ nghỉ 2 ngày 1 đêm cho cả gia đình 3 người vào đúng ngày lễ ở resort sang trọng chỉ 5,4 triệu đồng lại được tặng 2 bữa buffet sáng tối và nhiều ưu đãi khác, như thế quá hời nên tôi chuyển đặt cọc 50% giữ phòng ngay. Sát ngày khởi hành, tôi liên hệ resort kiểm tra booking mới tá hỏa bị lừa. Nhắn, gọi vào số điện thoại trước đó đã giao dịch thì ò í e”, chị Đ.T.P.D kể.

Tương tự, chị T.T.H (TP.Phú Mỹ) bị lừa đặt phòng với một thủ đoạn khác. Muốn đi Đà Lạt nghỉ lễ vào 30/4 tới, chị lướt Facebook rồi tình cờ xem được quảng cáo hấp dẫn homestay từ một fanpage, chị quyết định chuyển khoản đặt cọc 1 triệu đồng. Tiền vừa chuyển đi, chị nhận cuộc gọi tự xưng nhân viên của homestay, yêu cầu chuyển lại tiền do “lỗi hệ thống”.

Nhân viên này giải thích do có sự nhầm lẫn giữa chữ “o” và số “0” trong mã đặt cọc, nên yêu cầu chị thao tác lại. Chị không đồng ý vì tài khoản đã bị trừ tiền. Ngay lập tức một cuộc gọi khác tự xưng là nhân viên ngân hàng đề nghị hỗ trợ chị lấy lại số tiền đã chuyển nhầm. “Người này gọi video yêu cầu tôi chia sẻ màn hình để hướng dẫn các thao tác truy cập tài khoản ngân hàng. Nhận ra đây là nhóm lừa đảo nên tôi tắt máy”, chị T.T.H thuật lại.

Phiếu đặt phòng giả mạo  Emerald Ho Tram Resort.
Phiếu đặt phòng giả mạo Emerald Ho Tram Resort.

Nâng cao cảnh giác

Không thể phủ nhận khuynh hướng dịch chuyển từ mua sắm trực tiếp sang các kênh trực tuyến được thúc đẩy bởi quá trình số hóa ngành du lịch, sự phát triển công nghệ và thay đổi hành vi tiêu dùng khi khách hàng ngày càng tìm kiếm những phương thức đặt dịch vụ nhanh chóng, minh bạch và linh hoạt hơn. Thế nhưng, đánh vào tâm lý thích xem review, lướt TikTok, Facebook… chiêu trò lợi dụng không gian mạng tạo website, fanpage Facebook với giao diện giống hệt bản gốc, bán kỳ nghỉ giá rẻ... cũng nở rộ.

Nhiều resort chia sẻ, ngay cả quản trị fanpage của resort cũng không dễ phát hiện đó là Facebook giả mạo vì Facebook thật đăng gì, Facebook giả ngay lập tức sao chép cái đó. Facebook giả còn chạy quảng cáo, hình thức giao diện lấp lánh để thu hút người xem. Thậm chí, để kịp thời cập nhật giá phòng, Facebook giả còn tương tác vào Facebook chính chủ, điện thoại đến hotline resort hỏi bảng giá và xin hình ảnh thực tế dịch vụ.

Tuy nhiên, tất cả các kênh lừa đảo đặt phòng đều có một điểm chung, giá bán phòng thường rẻ hơn giá công bố trên website, fanpage chính chủ, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng.

Đại diện Emerald Ho Tram Resort cho biết: “Hầu hết resort, khách sạn khi phát hiện khách bị lừa đều hỗ trợ bằng nhiều hình thức, giảm giá, hỗ trợ trình báo cơ quan chức năng…”.

Cách kiểm tra, đối chiếu thông tin khi đặt phòng
Các resort hướng dẫn du khách trước khi đặt phòng nên vào Google tìm kiếm tên resort/khách sạn muốn lưu trú. Trên góc bên phải màn hình sẽ xuất hiện thông tin, số điện thoại của resort/khách sạn đó. Đây là tính năng định vị của Google. Số điện thoại đã được Google xác thực mới cho hiển thị, các trang giả chưa làm được.

Du lịch cả nước chuẩn bị vào kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và mùa hè. Trên các nền tảng số (Zalo, Facebook, TikTok, website) của hàng loạt khách sạn, resort lớn ở khu vực Hồ Tràm, Phước Hải và Vũng Tàu đều phát đi cảnh báo tình trạng giả mạo Facebook lừa mua phòng giá rẻ tái diễn. Các resort chỉ rõ thủ đoạn “tặng bia kèm lạc” của Facebook giả mạo như giảm 20-50% giá phòng, tặng ăn 3 bữa, spa, voucher… Đồng thời khẳng định cơ sở lưu trú uy tín, có thương hiệu không bao giờ có giá rẻ kèm ưu đãi quá nhiều như vậy. Đây là thủ đoạn đánh vào lòng tham của người tiêu dùng.

Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, thủ đoạn lừa đảo đặt phòng qua mạng ngày càng tinh vi, gây phẫn nộ cho du khách và ảnh hướng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương. Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, có resort bị 5-6 Facebook giả mạo nhưng cũng có resort bị đến 15 Facebook giả mạo thương hiệu quăng “bẫy” bán phòng giá rẻ.

Hiệp hội Du lịch đã tổng hợp danh sách resort, khách sạn bị giả mạo Facebook gửi tới công an, đại diện Facebook tại Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các cơ quan trên cùng vào cuộc rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, tuyên truyền nâng cao cảnh báo khi tiến hành đặt dịch vụ và thực hiện giao dịch thanh toán.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.