Ngày 1/5/1975, Côn Đảo chính thức giải phóng, khép lại 113 năm “địa ngục trần gian”. Sau đó, Côn Đảo bước vào hành trình tái thiết, dựng xây, vươn mình để rồi 50 năm sau đổi thay hoàn toàn với diện mạo mới - thiên đường du lịch.
![]() |
Cảng Bến Đầm, Côn Đảo. |
Hạ tầng đồng bộ
Ra Côn Đảo sinh sống từ năm 1997, bà Bùi Thị Phượng, Khu trưởng khu dân cư số 7 cho biết, trên đảo lúc đó rất ít nhà cửa. Đường đất nhỏ hẹp. 8 giờ tối đã cúp điện. Ai muốn về đất liền thăm người thân phải chờ cả tháng vì không có tàu. Phương tiện kết nối đảo với đất sau đó nhiều hơn, cả hàng không và đường biển. Điện, đường sá, thiết chế văn hóa, trường học được xây dựng nâng cao đời sống của người dân. “Côn Đảo giờ chẳng thiếu thứ gì. Tôi rất tự hào, hạnh phúc vì được gắn bó hơn nửa đời người với mảnh đất thiêng liêng Côn Đảo”, bà Phượng bày tỏ.
Không chỉ người dân Côn Đảo, khách du lịch cũng ngạc nhiên, bất ngờ với diện mạo đổi thay nhanh chóng của huyện đảo. Bà Nguyễn Thanh Nhạn (du khách TP.Hồ Chí Minh) cho biết, bà đến Côn Đảo lần đầu cách đây 5 năm. Lúc đó, đường sá trên đảo chưa mở mang nhiều như bây giờ. Công viên, hồ nước cũng có nhưng chưa đẹp. Giờ thì không chê vào đâu được. Đường từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm, cây trồng hai bên có quy hoạch ngay hàng thẳng lối. Công viên, hồ chứa nước ngọt mảng xanh duyên dáng. Biển trời hòa quyện một màu ngọc bích. Những ngày ở đảo, bà di chuyển bằng xe điện và đi bộ để cảm nhận hết cái đẹp không khác tranh thủy mặc của Côn Đảo.
Từ nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh và các cấp, ngành, kết cấu hạ tầng của Côn Đảo ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Các tuyến tàu khách cao tốc kết nối Côn Đảo với huyện Trần Đề (Sóc Trăng), TP.Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh xuất bến hàng ngày phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách từ đất liền ra đảo và ngược lại. Đường hàng không có sân bay Côn Đảo với đường băng dài 1.830m, đón các loại máy bay ATR72 và tương đương.
Hệ thống điện, nước cũng được quan tâm đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho Nhân dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Tháng 3/2025, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo kết nối từ TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến Côn Đảo với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng đã khởi công. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.
Trong những ngày Côn Đảo rộn ràng không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng, Trung tâm Quân - Dân y huyện Côn Đảo cũng được khánh thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với quy mô 60 giường và các khoa phòng chức năng gồm cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng, phẫu thuật, xét nghiệm, khu hành chính, khám và điều trị nội, ngoại trú. Công trình sẽ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và du khách.
Phát triển bền vững
Huyện Côn Đảo là địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước triển khai đề án kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên trong lành, hệ thống di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt để phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Triển khai đề án, Côn Đảo đang thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nhiều mô hình du lịch xanh áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2024. Huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 100%. Huyện không còn hộ nghèo đa chiều theo chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đạt trên 94,08 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2045, phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển. Đồng thời tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Côn Đảo để phát triển kinh tế; triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
|
Các mô hình bảo vệ môi trường, giảm chất thải nguy hại ra môi trường như Giỏ lễ xanh, Dấu tay xanh, Chợ đêm không túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần, vận động tiểu thương chợ Côn Đảo ký cam kết nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, phân loại rác thải tại nguồn, đổi rác thải lấy quà tặng, ngày thứ Bảy xanh - sạch - đẹp, khu dân cư giảm nhựa… đang được nhân rộng.
Huyện sẽ tiếp tục truyền thông mạnh mẽ mục đích, ý nghĩa của đề án kinh tế tuần hoàn, cụ thể hóa bằng hành động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị thiên nhiên và văn hóa, lịch sử; hướng đến là khu du lịch đẳng cấp khu vực và quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị sinh thái biển...
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA