Trong các ngày 13, 14, 15, 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ (ngày 10, 11, 12, 13/2), hàng ngàn người dân và du khách thập phương đổ về các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh để chiêm bái, ngoạn cảnh.
![]() |
Chùa Linh Sơn cổ tự (đường Hoàng Hoa Thám, TP.Vũng Tàu) phục vụ ẩm thực chay miễn phí cho người dân, du khách trưa Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ. |
Tìm về chốn an nhiên
Trong các ngày 13, 14, 15, 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ, người dân và du khách thập phương đã đến viếng miếu Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, Bãi Sau, TP.Vũng Tàu). Từ tờ mờ sáng, những hàng xe máy, xe ô tô đã đậu kín các bãi giữ xe và ven đường Thùy Vân, chỗ dốc mũi Nghinh Phong, chờ thủy triều xuống để ra viếng miếu Hòn Bà.
Khi thủy triều rút sâu, hàng trăm người dân địa phương và du khách đến từ Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... men theo con đường đá gập ghềnh nối từng hàng dài ra viếng miếu Hòn Bà. Khách dâng hương, hoa, trái cây, thả chim phóng sinh cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn cho bản thân, gia đình.
Sau khi viếng miếu, du khách còn trải nghiệm bắt ốc, ghẹ ở các bãi đá hay vãn cảnh, chụp hình lưu niệm bên những mõm đá tai mèo ngay giữa mênh mông biển khơi.
Cùng nhóm người thân hành hương đến miếu Hòn Bà, chị Trần Thị Thương (phường Hòa Lợi, TP.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nói: “Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy hằng năm, tôi thường đến viếng miếu Hòn Bà để cầu an cho gia đình. Đường ra miếu gập ghềnh, khúc khuỷu, khó đi, nhưng đến nơi tôi cảm thấy tâm mình thật nhẹ nhàng”.
Miếu Hòn Bà tọa lạc trên hòn đảo nhỏ ở biển Vũng Tàu, là một trong những điểm tâm linh nổi tiếng. Nơi đây luôn hấp dẫn khách thập phương bởi những câu chuyện lịch sử và văn hóa tâm linh. Tương truyền, năm 1781, một hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà trên Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người ngư dân hành nghề trên biển được bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Sôi động các hoạt động phục vụ nhu cầu tín ngưỡng
Tại TP.Vũng Tàu, ngoài miếu Hòn Bà, các điểm tâm linh khác cũng nhộn nhịp khách dịp Rằm tháng Giêng như: chùa Linh Sơn cổ tự, chùa Từ Quang, Thích ca Phật Đài, chùa Bồ Đề... Họ đến đây vãn cảnh, dâng hương với mong muốn một năm mới được an yên. Dịp này, nhiều nhà chùa còn chu đáo chuẩn bị ẩm thực chay thiết đãi tăng ni, phật tử và du khách. Như trưa Rằm tháng Giêng, chùa Linh Sơn cổ tự (đường Hoàng Hoa Thám, TP.Vũng Tàu) đã làm 30 món ăn chay đãi hàng trăm khách.
Chùa Bồ Đề (25, Viba, TP.Vũng Tàu) cũng thiết đãi ẩm thực miễn phí cho khách. Đồng thời, nhà chùa vừa hoàn thành con đường tranh đá quý “Cuộc đời Đức Phật” dài 117m, với 27 bức tranh mang nhiều thông điệp, ý nghĩa tôn vinh Đức Phật và 1 bức tranh về nghệ nhân làng tranh đá quý Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Đường tranh độc đáo này giúp tăng ni, phật tử, người dân hiểu hơn về cuộc đời Đức Phật, cũng là phục vụ khách hành hương đến chiêm ngưỡng nghệ thuật làm tranh thủ công mỹ nghệ.
Tại các địa phương khác như ở TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ, huyện Long Đất... dịp Rằm tháng Giêng, nhiều chùa tổ chức lễ cầu an, thu hút du khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Tại chùa Chánh Thiên (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa), trong các ngày 13 đến 15 Rằm tháng Giêng, nhà chùa tổ chức nhiều lễ cúng, lễ cầu an, cầu cho phước lành, quốc thái dân an, tri ân công lao của các bậc tiền nhân. Đại đức Thích Nhật Đạo, Trụ trì chùa Chánh Thiên cho biết, dịp Rằm tháng Giêng, nhà chùa tổ chức lễ cầu an. Đây là lễ lớn, được tổ chức trang trọng, chu đáo nhằm cầu nguyện cho bình an cho tất cả mọi người. Đầu năm mới, không chỉ có tín đồ phật tử, mà người dân cũng năng đi lễ chùa để cầu cho mọi việc được như ý nguyện.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG