Sáng 12/2 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ), hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã đến viếng miếu Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, Bãi Sau, TP.Vũng Tàu).
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 5 giờ sáng, hai bãi đậu xe ở dốc mũi Nghinh Phong và ven hai bên đường Thùy Vân, gần dốc mũi Nghinh Phong, xe máy, xe ô tô đậu kín, chờ đến viếng miếu Hòn Bà.
Bãi giữ xe ở dốc Mũi Nghinh Phong kín xe của người dân, du khách đến viếng miếu Hòn Bà. |
Khi trời dần sáng tỏ, thủy triều rút sâu, hàng ngàn người dân địa phương và du khách các tỉnh: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... đã men theo con đường đá gập ghềnh và đầy vỏ hàu sắc nhọn, nối từng hàng dài ra viếng miếu Hòn Bà, cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn cho bản thân, gia đình.
Thủy triều rút xuống sâu, để lộ con đường đá gập ghềnh từ bờ biển nối ra miếu Hòn Bà. |
Miếu Hòn Bà, tọa lạc trên hòn đảo nhỏ ở biển Vũng Tàu, là một trong những điểm tâm linh linh thiêng nổi tiếng của thành phố biển, nằm ở vị trí độc đáo, khách chỉ đi đến miếu được mỗi khi con nước xuống. Nơi đây còn hấp dẫn khách thập phương bởi những câu chuyện lịch sử và văn hóa tâm linh.
![]() |
Rất đông người dân, du khách đến viếng miếu Hòn Bà sáng Rằm tháng Giêng. |
Tương truyền, năm 1781, một hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà trên Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người ngư dân hành nghề trên biển được bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Mỗi năm, miếu Hòn Bà tổ chức 4 lệ cúng, dựa theo con nước, gồm: tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (Âm lịch). Riêng trong tháng Giêng, trong các ngày 13-17 Âm lịch, từ 5 giờ sáng đến khoảng 9 giờ 30 phút, thủy triều xuống mức thấp nhất, để lộ đường đá gập ghềnh giữa biển, tạo thuận lợi cho người dân và du khách đi bộ ra viếng miếu Hòn Bà.
Tin, ảnh: CẨM NHUNG