Kết nối du lịch Tây Nam Bộ
Với hơn 18 triệu dân, Tây Nam Bộ là một trong những thị trường mục tiêu của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh tặng quà lưu niệm là tranh thắng cảnh đẹp Bà Rịa-Vũng Tàu cho đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. |
Xúc tiến tận nơi
Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch-Thương mại TP.Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày 29/11 đến 2/12, các Hiệp hội Du lịch vùng Đông Nam Bộ (nhóm STA) đã thực hiện famtrip khảo sát điểm đến thuộc các tỉnh thành Tây Nam Bộ. Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu do Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ trì với gần 40 DN tham gia.
Tại TP.Cần Thơ, nhóm STA cùng tham dự tọa đàm marketing B2B (giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp du lịch, lữ hành) vùng Đông Nam bộ và Tây Nam Bộ. Các doanh nghiệp được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về nhu cầu, thị hiếu và góp ý kiến nâng cao chất lượng điểm đến như xây dựng những sản phẩm du lịch có câu chuyện truyền tải cảm xúc đến khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến, giới thiệu những cơ sở dịch vụ mới…
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, khu vực Tây Nam Bộ được xem là nguồn khách chủ lực của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Do vậy, việc gặp gỡ trực tiếp B2B là rất hữu ích, giúp doanh nghiệp trao đổi thông tin liên lạc, giới thiệu được sản phẩm, mở ra cơ hội gia tăng nguồn khách.
Bà Helen Nguyen, Quản lý Khách sạn Premier Pearl Vũng Tàu cho biết: "Nguồn khách từ Tây Nam Bộ đến Bà Rịa - Vũng Tàu đang có xu hướng mong muốn được thụ hưởng những dịch vụ cao cấp, sang trọng. “Chuyến khảo sát này vì thế rất ý nghĩa giúp chúng tôi đánh giá sát hơn cơ hội từ thị trường Tây Nam Bộ, từ đó có chiến lược về sản phẩm và marketing, đồng thời đẩy mạnh mở rộng kết nối mạng lưới lữ hành để định hướng thu hút khách về lưu trú, nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, hội thảo”.
Nhiều tiềm năng hợp tác
Bà Rịa-Vũng Tàu nổi tiếng với du lịch biển, nghỉ dưỡng, hội họp. Tây Nam Bộ đặc trưng sông nước miệt vườn, sinh thái. Hai thế mạnh khác nhau khi có sự gắn kết sẽ tạo nên những tour - tuyến đa dạng, hấp dẫn phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” của từng địa phương.
Thực tế, từ rất sớm Tây Nam Bộ đã là thị trường lớn của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Để tạo nền tảng kết nối bài bản, tin cậy, qua đó thúc đẩy cơ hội mở rộng thị trường, thị phần lâu dài hơn nữa, từ những năm 2017-2018, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã chủ động ký kết hợp tác, xúc tiến du lịch với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Khảo sát của Hiệp hội Du lịch tỉnh trước dịch COVID-19 cho thấy, nguồn khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu từ vùng Tây Nam Bộ chỉ đứng thứ 2 sau các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tọa đàm marketing B2B giữa DN du lịch, lữ hành vùng Đông Nam bộ và Tây Nam Bộ tại TP.Cần Thơ ngày 30/11/2024. |
Ngay sau dịch COVID-19, Tây Nam Bộ tiếp tục là thị trường được du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu “chăm sóc” nhiều nhất. Các hội chợ, triển lãm về du lịch kết hợp thương mại tại Tây Nam Bộ năm nào Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tham gia gian hàng thương mại, quảng bá du lịch.
Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng nhiều lần xúc tiến du lịch tại Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… Ông Hoàng Ngọc Linh cho rằng, sự kết nối trao đổi khách du lịch giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Nam Bộ sẽ còn tăng trưởng nhanh khi cao tốc Bến Lức - Long Thành thông xe dự kiến trong năm 2025.
“Để tiếp tục thu hút khách từ khu vực Tây Nam Bộ về Bà Rịa-Vũng Tàu, trong năm 2025, Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan liên quan tổ chức farmtrip, presstrip mời các DN du lịch, dịch vụ, lữ hành, cơ quan truyền thông vùng Tây Nam Bộ khảo sát hệ thống dịch vụ mới, từ đó kết nối xây dựng thêm tour tuyến dài ngày nhằm cung cấp đa dạng hấp dẫn sản phẩm - dịch vụ mang tính đặc thù làm nên hình ảnh và thương hiệu riêng cho Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Hoàng Ngọc Linh nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA