Cảnh giác trang mạng lừa đặt phòng giá rẻ

Thứ Sáu, 27/09/2024, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Đặt phòng trực tuyến đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều du khách vì sự tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng. Trong vòng 1 tháng qua, tình trạng giả mạo facebook cho mục đích lừa đảo xảy ra nhiều ở các resort, khách sạn phân khúc 4-5 sao.

Giao diện fanpage chính chủ của Carmelina Beach Resort.
Giao diện fanpage chính chủ của Carmelina Beach Resort.

Chiêu trò tinh vi

Là trường hợp bị giả mạo Facebook, đại diện Carmelina Beach Resort (4 sao, Facebook cùng tên) chia sẻ, không dễ phát hiện đó là Facebook giả mạo vì Facebook thật đăng gì, Facebook giả ngay lập tức sao chép cái đó. Thậm chí, Facebook giả còn chạy quảng cáo, hình thức giao diện lấp lánh để thu hút người xem.

Để kịp thời cập nhật giá phòng, Facebook giả còn tương tác vào Facebook chính chủ, điện thoại đến hotline resort hỏi bảng giá và hình ảnh thực tế dịch vụ. Khi cung cấp cho khách, nhân viên kinh doanh sẽ chụp ảnh, quay clip thực tế thời điểm hiện tại. Ngay lập tức, hình ảnh, clip mới và bảng giá được Facebook giả cập nhật. Nhờ vậy, chúng tôi mới phát hiện Facebook giả mạo.

Giao diện fanpage giả sao chép y chang fanpage thật, chỉ khác lượt thành viên.
Giao diện fanpage giả sao chép y chang fanpage thật, chỉ khác lượt thành viên.

“Tính từ ngày đầu phát hiện Facebook giả mạo (ngày 8/9) chúng tôi đăng cảnh báo công khai trên website, các trang mạng xã hội của resort. Rất may mắn đến nay chưa ghi nhận trường hợp khách hàng bị lừa cọc nhưng tìm kiếm trang Facebook giả hiện vẫn còn tồn tại”, đại diện Carmelina Beach Resort cho hay.

Không may mắn như Carmelina Beach Resort, Premier Pearl Hotel Vung Tau ghi nhận ít nhất 7 trường hợp khách đã chuyển cọc khi đặt phòng qua fanpage giả mạo khách sạn này. Đáng chú ý, có khách hàng bị lừa số tiền lên đến gần 100 triệu đồng.

Bà Helen Nguyen, Tổng Quản lý Premier Pearl Hotel Vung Tau cho biết, nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc gây ảnh hưởng đến uy tín của khách sạn nói riêng và toàn ngành du lịch, khách sạn đã lập danh sách kèm hình ảnh, tin nhắn tư vấn, phiếu xác nhận đặt phòng, ủy nhiệm chi khách đã thanh toán thành công cho tài khoản của đối tượng giả mạo trang Facebook của khách sạn, gửi các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc điều tra.

Du khách cần nâng cao cảnh giác

Chiêu trò lợi dụng không gian mạng tạo website, fanpage Facebook với giao diện giống hệt bản gốc, bán kỳ nghỉ giá rẻ... thường rộ lên trong mùa du lịch cao điểm. Tuy nhiên, sang mùa thấp điểm, nhu cầu du lịch không còn ồ ạt nhưng thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Fanpage giả thậm chí còn lập cả đường dây nóng tư vấn khách hàng. Sau khi khách chuyển cọc có tài khoản cắt liên lạc ngay, nhưng cũng có nhiều đối tượng còn nhắn tin xác nhận đã nhận tiền cọc để lấy lòng tin khiến khách hàng không thể nhận ra đang bị lừa.

Tất cả các kênh lừa đảo đặt phòng đều có một điểm chung, giá bán phòng thường rẻ hơn giá công bố trên website, fanpage chính chủ, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, gây bức xúc cho du khách và đặc biệt là làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch của các địa phương.

Trong tháng 9, hàng loạt khách sạn, resort lớn ở khu vực Hồ Tràm và Vũng Tàu đã lên tiếng cảnh báo tình trạng trên, đồng thời công khai tên công ty chủ quản, tên giao dịch, tài khoản ngân hàng và đề nghị khách hàng dù đặt phòng qua bất kỳ kênh nào (trực tuyến hay trực tiếp) cần chủ động gọi về hotline, lễ tân của resort, khách sạn xác nhận lệnh đặt phòng trước khi thanh toán.

Mới đây, Sở Du lịch đã có công văn gửi các cơ quan chức năng tại địa phương và Trung ương đề nghị hỗ trợ xử lý, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu mạo danh fanpage cơ sở lưu trú để lừa đảo tiền bạc.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, Sở Du lịch hỗ trợ du khách xử lý các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo đặt phòng, qua đường dây nóng 0947.369.621.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.