.

Những điểm đón bình minh, chờ hoàng hôn ở Côn Đảo

Cập nhật: 18:03, 26/04/2024 (GMT+7)

Dọc theo bờ biển cảng Bến Đầm có rất nhiều quán cà phê cực đẹp lãng mạn, nơi đón bình minh và chờ hoàng hôn Côn Đảo lý tưởng của nhiều du khách.

Cảnh ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở quán cà phê bus Sunet Côn Đảo.
Cảnh ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở quán cà phê bus Sunet Côn Đảo.

Đi tàu khách ra Côn Đảo, rời cảng Bến Đầm rẽ phải về hướng trung tâm, bạn sẽ gặp quán cà phê Sunrise Côn Đảo, hay còn gọi là “Nơi săn bình minh Côn Đảo”. Còn rẽ trái về hướng Vườn Quốc gia sẽ gặp quán bus cà phê Sunset Côn Đảo, nơi đón hoàng hôn trên biển của nhiều du khách.

Cả hai đều cách trung tâm và Vườn Quốc gia Côn Đảo khoảng 1km, nằm sát bờ biển, có tầm nhìn, view ngắm biển cực chất với nhiều điểm check-in tuyệt đẹp.

“Sáng sớm thì ra quán Sunrise, chiều hoàng hôn thì đến quán cà phê bus Sunset, nhâm nhi bên tách cà phê, nghe sóng biển vỗ bờ cùng những cơn gió hát tình ca, chờ ngắm mặt trời mọc và lặn lộng lẫy trên biển. Đời đẹp và thơ đến thế là cùng”, anh Ngọc, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh nhận xét.

Anh Ngọc cho biết hầu như năm nào cũng ra Côn Đảo du lịch, viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Năm nay anh cùng bạn lại có thêm trải nghiệm mới với 2 quán cà phê ngoài trời “săn” bình minh và hoàng hôn trên biển tuyệt đẹp này.

Quán Sunrise hấp dẫn khách du lịch và các cặp đôi còn bởi khung cảnh lãng mạn với cái xích đu tình nhân, tổ chim tình yêu khổng lồ và các góc chụp hình “sống ảo” đẹp, nên thơ nhìn ra biển, thấp thoáng xa xa là toàn cảnh trung tâm Vịnh Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh,…

Không chỉ là nơi check-in đẹp, “Nơi săn bình minh Côn Đảo” còn thu hút du khách bởi sự tinh tế, “vẻ đẹp tâm hồn” với tình yêu môi trường thể hiện qua từng cái ghế, cái bàn, ly uống nước. Hầu hết đều sử dụng đồ tái chế hoặc không dùng đồ nhựa.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, quản lý cho biết, quán khai trương vào đầu năm 2024, là đề án thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn của Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo. Chính vì thế, tất cả vật dụng hình thành nên quán đều là đồ tái chế, như quầy hàng là một thùng container cũ, cái bàn, cái ghế lấy từ bánh xe tải hay khúc gỗ cũ, ly, ống hút bằng giấy. Quán không dùng đồ nhựa và cũng không cho khách sử dụng đồ nhựa hay túi ni lông trong quán.

Cà phê Sunrise Côn Đảo.
Cà phê Sunrise Côn Đảo.

“Khi khách dùng túi ni long đem đồ ăn tới, các bạn phục vụ sẽ khéo léo đem các mẹt tre, túi giấy ra cho khách thay thế. Lâu dần khách sẽ hình thành thói quen khi đến quán không dùng đồ nhựa hoặc dùng vật phẩm tái chế, có thể sử dụng tuần hoàn nhiều lần để bảo vệ môi trường”, ông Phương nói.

Theo Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, tại mô hình thí điểm này, du khách không chỉ tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và trong lành của thiên nhiên, ngắm nhìn biển xanh bát ngát cùng bãi cát trắng trãi dài, núi đồi hùng vĩ ngập tràn sắc xanh của vạn vật thiên nhiên mà còn được tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện về các loài sinh vật quý hiếm ở Côn Đảo.

Du khách cũng được tham quan các sản phẩm tái chế, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi ni lon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần và học cách bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển Côn Đảo, cùng Côn Đảo bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên nơi này.

Ông Stephen, du khách đến từ Thụy Sĩ, cùng vợ đến quán cà phê bus Sunset để “săn” hoàng hôn trên biển. Hôm qua ông đến rồi, nhưng trời nhiều mây, không thấy được cảnh mặt trời lặn xuống biển nên hôm nay đến nữa.

Ông Stephen cho biết, ông cùng vợ đến Việt Nam du lịch trong 3 tuần, đã đi Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và hôm qua đến Côn Đảo. “Tôi và vợ rất mê Côn Đảo không chỉ vì Côn Đảo quá đẹp mà còn rất xanh và sạch, chứng tỏ các bạn rất có ý thức giữ gìn môi trường”, Stephen nói.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
.
.
.