Một ngày cuối tháng Chạp, khi học trò đã được nghỉ Tết, tôi mới có thời gian thảnh thơi dạo bước trên phố biển Vũng Tàu để cảm nhận thời khắc giao mùa của thiên nhiên. Không khí se lạnh của mùa Đông phương Nam đã nhường chỗ cho nắng ấm mùa Xuân đang tràn về mọi nẻo đường phố biển Vũng Tàu, khiến lòng tôi xao xuyến bồi hồi.
Di tích Bạch Dinh nổi bật giữa rừng hoa sứ. Ảnh: THÙY VÂN |
Từ Bãi Trước, đi dọc theo con đường Quang Trung - Trần Phú uốn lượn bên bờ biển, nhìn lên sườn núi trước mặt hướng về phía Bãi Dâu, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên buổi giao mùa. Nổi bật giữa màu vàng úa của rừng cây giá tỵ là màu trắng của tòa Bạch Dinh nằm giữa rừng hoa sứ đang khoe sắc trắng, sắc hồng tía.
Nữ du khách mặc áo dài tản bộ trong khuôn viên Bạch Dinh. Ảnh: TUYẾT MAI. |
Chừng 10 phút thả bộ theo con dốc quanh co rợp bóng cây là lên tới Bạch Dinh. Tôi nhắm mắt hít hà một hơi thật sâu để tận hưởng không khí trong lành thổi vào từ biển. Mùa này, gió biển không còn lạnh như trước mà chỉ đủ để làm cho không gian mát mẻ và khiến tôi cảm giác như lạc vào một thế giới khác giữa lòng thành phố. Xa xa, những con tàu hàng, tàu cá đang hối hả ra vào luồng Vũng Tàu, chở theo bao ước vọng mùa Xuân.
Nhưng, điều khiến tôi ấn tượng nhất mùa này chính là rừng hoa sứ nở rộ, rực rỡ trong khuôn viên Bạch Dinh. Hương hoa sứ dịu nhẹ lùa trong gió như níu chân lữ khách. Tô điểm cho màu trắng và hồng tía của hoa sứ là màu xanh của rừng cây, trong đó một số cây đang đâm chồi nảy lộc.
Cuối tháng Chạp, Bạch Dinh vẫn đón nhiều khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm với cảnh sắc thiên nhiên thú vị của buổi giao mùa. Nhiều chị em thướt tha trong tà áo dài truyền thống, áo dài cách tân đủ sắc màu nhưng lại rất phù hợp với bối cảnh cổ kính của Bạch Dinh.
Chị em phụ nữ chụp hình check-in tại Bạch Dinh. Ảnh: TUYẾT MAI |
Thăm Bạch Dinh - nơi từng là pháo đài Phước Thắng do nhà Nguyễn dựng nên để bảo vệ tuyến đường thủy vào thành Gia Định - nghe giới thiệu về trận chiến đấu của quân đội nhà Nguyễn chống thực dân Pháp xâm lược Tết Kỷ Mùi 1859, lòng tôi trào dâng niềm tự hào về ý chí kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc chiến không cân sức ấy, quân ta đã tổn thất nặng nề nhưng lịch sử Việt Nam mãi khắc ghi trận chiến này là phát súng đầu tiên đánh vào hạm đội Pháp trên đường chúng tấn công đánh chiếm thành Gia Định bằng đường biển.
Từ sân phía sau Bạch Dinh, tôi rẽ trái đi theo con đường lát đá rợp bóng cây xanh trên sườn Núi Lớn đến ngôi nhà bát giác - nơi có tấm bia khắc bài thơ “Sầu tây bể Cấp” của cựu hoàng thượng Thành Thái. Ông viết bài thơ này vào năm 1907, khi ông bị thực dân Pháp giam lỏng tại đây (từ năm 1907 đến năm 1916), trước khi bị đày đi biệt xứ tại đảo Réunion (châu Phi, thuộc địa Pháp).
Nội dung bài thơ:
“Sống thừa nào có biết hôm nay
Nhìn thấy non sông đất nước này
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây
Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt
Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây
Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc
Dẫu cho sắt đá cũng chau mày!”
Bài thơ “Sầu tây bể Cấp” của cựu hoàng Thành Thái thể hiện tư tưởng tiến bộ, tinh thần yêu nước, bất hợp tác với thực dân Pháp như lời động viên Nhân dân Việt Nam tiếp tục kề vai sát cánh đứng lên tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Ngày Xuân, đến với Bạch Dinh để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, hít hà mùi hương dịu nhẹ của hoa sứ, không khí trong lành của biển, của rừng và trải lòng mình theo dòng lịch sử. Tôi cảm tưởng ở nơi đây, bánh xe thời gian như cuốn phim quay chậm, diễn tả rõ nét từ quá khứ buồn đau đến hiện tại rạng ngời. Trong tôi trào dâng lòng biết ơn vô hạn với bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp để có cuộc sống thanh bình, có một Vũng Tàu tươi đẹp như hôm nay.
NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI
(GV Trường TH Chí Linh, TP.Vũng Tàu)