Vũng Tàu - Thành phố Du lịch sạch ASEAN

Thứ Sáu, 26/01/2024, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 26/1, tại Viêng Chăn (Lào), trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024-sự kiện lớn nhất về hợp tác du lịch của các nước thành viên ASEAN-cùng với TP.Huế (Thừa Thiên Huế) và TP.Quy Nhơn (Bình Định), TP.Vũng Tàu vinh dự được xướng tên giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN.

Du khách vui chơi ở Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) dịp Tết Dương lịch.
Du khách vui chơi ở Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) dịp Tết Dương lịch.

Thành phố Du lịch sạch ASEAN là giải thưởng quan trọng trong bộ Giải thưởng về du lịch ASEAN. Giải thưởng được trao 2 năm 1 lần vào năm chẵn. Từ năm 2020, đây là lần thứ 3 liên tiếp TP.Vũng Tàu thắng giải thưởng uy tín này. Giải thưởng có giá trị từ năm 2024 đến năm 2026.

Để đạt được danh hiệu Thành phố Du lịch sạch ASEAN, thành phố được bầu chọn phải đáp ứng 108 tiêu chí trong 7 nhóm hạng mục, gồm: quản lý môi trường, mức độ sạch sẽ, quản lý chất thải, ý thức bảo vệ môi trường, không gian xanh, an toàn an ninh đô thị và y tế cùng cơ sở hạ tầng, tiện ích du lịch phù hợp và đạt chuẩn. Trong đó các tiêu chí về quản lý môi trường, quản lý chất thải, mức độ sạch sẽ chiếm đến 2/3 tổng số tiêu chí.  

Bãi Trước (TP.Vũng Tàu). Ảnh: HOÀI ÂN
Bãi Trước (TP.Vũng Tàu). Ảnh: HOÀI ÂN

Là điểm đến du lịch biển lâu đời nhất Việt Nam, mỗi năm TP.Vũng Tàu đón trên 6 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với một lượng khách khổng lồ tập trung vào cuối tuần, lễ tết gây áp lực lớn lên hạ tầng, môi trường, cảnh quan đô thị, để đạt được các yêu cầu của bộ tiêu chí và giữ vững danh hiệu Thành phố Du lịch sạch ASEAN không hề dễ.

Thế nhưng, TP.Vũng Tàu đã làm được. Thành quả này đến từ quyết tâm bền bỉ, có tính kế thừa của chính quyền và nhân dân TP.Vũng Tàu trong thực hiện đồng bồ các biện pháp từ lắng nghe ý kiến DN, người dân để cải thiện môi trường du lịch. Địa phương này cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống và hành động quyết liệt giữ vệ sinh môi trường tại các bãi biển, nơi công cộng, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối để cộng đồng và du khách tiếp cận dễ dàng không gian xanh tự nhiên. Ngoài ra, TP.Vũng Tàu đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành để thực hiện các mục tiêu về đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ cao về du lịch, môi trường, tạo điều kiện cho tất cả người dân và DN được giám sát, tham gia vào quá trình xây dựng đô thị.

Du khách nước ngoài ngắm toàn cảnh Vũng Tàu từ đỉnh Núi Nhỏ.  Ảnh: PHẠM THUẬN
Du khách nước ngoài ngắm toàn cảnh Vũng Tàu từ đỉnh Núi Nhỏ. Ảnh: PHẠM THUẬN

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu phát triển TP.Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Đảng bộ và chính quyền thành phố đang nỗ lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng giao thông để phát triển toàn diện. Đặc biệt chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Thành phố đang lập Đề án phát triển du lịch Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN đã thêm một chỉ dấu quan trọng để Vũng Tàu truyền thông hình ảnh điểm đến đáng sống, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với khách du lịch.

TRẦN HIỀN

 
;
.