Cơ hội 'hút' khách Ấn Độ đến Bà Rịa-Vũng Tàu

Thứ Tư, 20/12/2023, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm hỗ trợ các DN du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu kết nối với các DN du lịch Ấn Độ, chiều 20/12, tại khách sạn Vias, UBND tỉnh và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức hội thảo xúc tiến du lịch Ấn Độ. Hội thảo cung cấp nhiều thông tin hữu ích để du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác cơ hội đón nguồn khách từ thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tặng quà lưu niệm đến ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tặng quà lưu niệm đến ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều nét tương đồng

Ấn Độ là quốc gia rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người. Mỗi năm có khoảng 25 triệu người ra nước ngoài và sắp tới dự báo sẽ tăng lên 50 triệu người. Thống kê trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm về nhu cầu du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.  

Chia sẻ tại hội thảo, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, ở quy mô quốc gia, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ hữu nghị hơn 50 năm và quan hệ kinh tế toàn diện hơn 30 năm. Những năm gần đây, nhu cầu giao thương, du lịch giữa hai nước tăng lên rất nhiều. Người dân Ấn Độ đặc biệt thích phong cảnh, khí hậu, ẩm thực và sự nồng ấm của người Việt Nam.

Doanh nghiệp Ấn Độ khảo sát điểm đến du lịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Trong khuôn khổ xúc tiến, quảng bá du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đến thị trường Ấn Độ, sáng 20/12, Sở Du lịch đón tiếp và đưa Đoàn DN lữ hành Ấn Độ khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Đoàn DN lữ hành Ấn Độ được hướng dẫn tham quan Bảo tàng vũ khí cổ, Tượng Chúa Kito trên núi Tao Phùng và Hồ Mây Park. Sáng 21/12, các DN Ấn Độ sẽ tiếp tục khảo sát dịch vụ, điểm tham quan tại khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc.  
Các DN lữ hành khảo sát dịch vụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu lần này đều là DN lớn tại Ấn Độ, trong đó có một số DN chuyên khai thác dòng khách MICE. Chuyến khảo sát kết hợp hội thảo xúc tiến du lịch mở ra cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa DN Ấn Độ và các DN du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; giao thông kết nối rất thuận tiện. Phương tiện đi lại cũng dồi dào, nhiều lựa chọn. “Tôi đã đến Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều lần. Hạ tầng du lịch ở đây đồng bộ, cảnh quan sạch đẹp, con người thân thiện. Tôi tin chắc sự thấu hiểu, tương đồng sẽ mở ra kết nối trên các lĩnh vực mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có du lịch trong thời gian tới”, ông Madan Mohan Sethi nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu sở hữu chiều dài bờ biển hơn 100km với những bãi tắm đẹp. Trên tuyến biển hình thành nhiều resort cao cấp kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển. Hệ sinh thái biển và rừng ven biển độc đáo. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc tôn giáo, di tích cách mạng đang khai thác phục vụ du lịch. Nhiều lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển. Ẩm thực phong phú, chế biến tinh tế. Nhiều năm qua, tỉnh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.  

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch (thứ hai từ phải sang) giới thiệu sản phẩm OCOP - tiêu Bầu Mây đến đại diện các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ trong khuôn khổ hội thảo xúc tiến du lịch Ấn Độ.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch (thứ hai từ phải sang) giới thiệu sản phẩm OCOP - tiêu Bầu Mây đến đại diện các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ trong khuôn khổ hội thảo xúc tiến du lịch Ấn Độ.

Cơ hội kết nối du lịch, giao thương

Nhiều năm khai thác thị trường khách từ Ấn Độ, bà Nguyễn Thị Trà My, đại diện Công ty Du lịch Thiên Niên Kỷ cho biết, làn sóng khách Ấn Độ vào Việt Nam bắt đầu rộ lên từ năm 2018-2019, sau đó gián đoạn vì dịch COVID-19. Từ cuối năm 2021, Việt Nam mở cửa lại du lịch quốc tế hậu dịch, nguồn khách Ấn Độ nắm vai trò chủ lực, mang lại nguồn thu chính cho ngành du lịch. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến đầu tư-du lịch hai chiều giữa hai nước ngày càng nhiều giúp khai phá tốt thị trường này.

Hà Nội, Đà Nẵng-Hội An-Huế và TP.Hồ Chí Minh là địa điểm phải đến của khách Ấn Độ. Tuy nhiên, Bà Rịa-Vũng Tàu gần TP.Hồ Chí Minh lại có biển, nên nhiều du khách Ấn Độ cũng chọn Bà Rịa-Vũng Tàu trong tour TP.Hồ Chí Minh-Mê Kông-Bà Rịa-Vũng Tàu 4 ngày 3 đêm hoặc 5 ngày 4 đêm. “Họ thức khuya hơn người Việt Nam vì múi giờ chậm hơn 1,5 tiếng. Các vùng du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu cần có nhiều sân chơi, bar về đêm hơn để đáp ứng nhu cầu vui chơi của họ”, bà Trà My cho hay.   

Các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ khảo sát Bảo tàng Vũ khí cổ.
Các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ khảo sát Bảo tàng Vũ khí cổ.

Còn ông Neelkanth Pararath, Giám đốc Công ty Du lịch Công nghệ CRS (trụ sở tại bang Kerala, Tây Nam Ấn Độ) nhận định, so với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng môi trường sạch, an ninh, an toàn. “Cố gắng duy trì sự sạch sẽ và ẩm thực ngon, chắc chắc khách Ấn sẽ quay trở lại nhiều vì hiện nay sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ và Việt Nam ngày càng bền chặt”, ông Pararath nói.

Ngoài ra, văn hóa tương đồng và chi phí rẻ cũng là điểm cộng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần cải thiện hơn nữa chính sách visa và xóa dần rào cản ngôn ngữ sẽ thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa trong thời gian tới. 

Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận định, Ấn Độ là thị trường khách rất tiềm năng. Do vậy, ngoài tiếp tục kết nối, quảng bá hình ảnh du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đến các đơn vị lữ hành Ấn Độ và các kênh ngoại giao, Hiệp hội Du lịch tỉnh tiếp tục kiến nghị thông qua Hiệp hội Du lịch Việt Nam cải thiện chính sách visa theo hướng miễn thị thực để thuận lợi hơn thúc đẩy giao lưu văn hóa, kinh doanh, giao thương, du lịch giữa hai bên.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
;
.