.

Biến đổi khí hậu làm đảo lộn bản đồ du lịch thế giới

Cập nhật: 15:29, 25/08/2023 (GMT+7)

Nhật báo Le Figaro của Pháp cho rằng lĩnh vực du lịch cần tìm hiểu, đánh giá và thay đổi lại cách cung cấp dịch vụ để cố gắng thích nghi và đối phó với những rào cản mới như biến đổi khí hậu, lạm phát, chiến tranh…

Quang cảnh thiệt hại do cháy rừng ở Lahaina ngày 10/8. Ảnh: Reuters
Quang cảnh thiệt hại do cháy rừng ở Lahaina ngày 10/8. Ảnh: Reuters

Nóng lên toàn cầu

Du lịch được đánh giá là một lĩnh vực có khả năng chịu đựng để vượt qua mọi khủng hoảng. Tuy nhiên, những thách thức hiện tại mà ngành du lịch đang phải đối mặt, vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành này, gây thiệt hại không chỉ cho khách du lịch mà cả các nhà cung cấp dịch vụ.

Vụ cháy rừng hồi tháng Bảy vừa qua trên các đảo tại Hy Lạp, gồm Rhodes, Corfou và Eubée, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch nước này. 5 người thiệt mạng; 50.000 ha rừng bị tàn phá; động vật hoang dã bị tàn sát; hàng chục cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà cửa và xe cộ bị phá hủy... Tại Rhodes, 30.000 người đã được sơ tán khẩn cấp, trong đó có nhiều khách du lịch.

Ở một nơi khác tại Hy Lạp, du khách phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài nhất từng xảy ra trên đất nước này với nhiệt độ trên 40 độ C trong hơn 14 ngày liên tiếp. Du khách buộc phải tránh xa các di tích lịch sử vào những giờ nhiệt độ cao nhất trong ngày.

Sau Hy Lạp, đầu tháng 8, các vụ cháy rừng kinh hoàng ở thành phố Lahaina - Hawaii (Mỹ) làm hàng trăm người thiệt mạng, buộc hàng chục ngàn cư dân và khách du lịch phải sơ tán khỏi hòn đảo và tàn phá thành phố nghỉ mát lịch sử. Thống đốc bang Hawaii ước thiệt hại vật chất do cháy rừng kinh hoàng ở bang này lên tới 6 tỷ USD. Một số nguyên nhân cháy đã được các nhà chức trách địa phương đề cập như thời tiết khô hạn, gió lớn do ảnh hưởng của cơn bão Dora ở phía nam Hawaii và cỏ dại xâm lấn.

Một câu hỏi được đặt ra: Sự nóng lên toàn cầu liệu có đe dọa ngành du lịch? Và câu trả lời là, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu thực sự là mối nguy làm đảo lộn bản đồ du lịch thế giới lâu dài.

Fabian Gonzalez, nhà phân tích tại Công ty Nghiên cứu Du lịch Phocuswright, cho biết: “75% khách du lịch quốc tế chọn đất nước chúng tôi vì những bãi biển. Nếu nhiệt độ tăng thì mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là trong thời kỳ đỉnh điểm của mùa hè sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra một đánh giá định lượng, nhưng thực tế là đã có sự chuyển dịch của du khách đến các vùng có nhiệt độ ôn hòa hơn ở phía Bắc, mặc dù du khách có nguy cơ gặp mưa, gió và lạnh. Ông Alain Capestan, Chủ tịch Công ty Du lịch Comptoir des Voyages xác nhận: Những điểm đến có thời tiết lạnh có vẻ ngày càng được ưa chuộng. Iceland là một ví dụ. Nước này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng du khách đến vào tháng Ba khiến các khách sạn rơi vào tình trạng thiếu phòng nghỉ. 

Du khách làm mát cơ thể trong lúc xếp hàng vào thăm Đấu trường La Mã tại Rome - Italia, ngày 18/7/2023. Ảnh: AP
Du khách làm mát cơ thể trong lúc xếp hàng vào thăm Đấu trường La Mã tại Rome - Italia, ngày 18/7/2023. Ảnh: AP

Tìm giải pháp thích ứng

Các nước miền Nam có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch (ở Hy Lạp, lĩnh vực này tạo ra hơn 1/4 GDP và sử dụng 1/5 lực lượng lao động) đang tìm cách để đối phó với vấn đề này. Ông Fabian Gonzalez đề xuất việc tạo ra các trải nghiệm du lịch đa dạng hơn: Du khách đến Madrid để tham quan một bảo tàng lớn không cần quá quan tâm liệu đang là mùa hè hay mùa đông. Mallorca đã phát triển du lịch đạp xe dọc theo các bãi biển của mình và hòn đảo này đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở châu Âu cho đạp xe.

Tuy nhiên, không dễ để quảng bá các vùng ít nổi tiếng như Galicia, Cantabria hoặc Asturias ven biển Đại Tây Dương. “Chúng ta cần tạo ra nhu cầu. Không có khách hàng nước ngoài nào sẽ chỉ chọn Tây Ban Nha và họ sẽ thường xuyên thay đổi giữa khu vực Địa Trung Hải và Đại Tây Dương”, chuyên gia Fabian Gonzalez nhận định. Trước và sau mùa du lịch chính (trước tháng Sáu và sau tháng Chín) cũng là một sự lựa chọn thay thế, tuy nhiên ít phù hợp với các gia đình do lịch học của con em họ.

“Đối với ba điểm đến trong mùa hè của người Pháp (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Tunisia), nơi sóng nhiệt ở mức gần như không thể chịu nổi vào mùa Hè, chúng ta sẽ thấy du khách kéo đến nhiều hơn vào mùa xuân và mùa thu, dẫn đến sự giảm sút lưu lượng khách du lịch vào tháng Bảy và tháng Tám. Việc này sẽ làm cho các điểm đến trở nên dễ tiếp cận hơn”, ông Jean-Pierre Mas, Chủ tịch của Công ty Du lịch Entreprises du Voyage, khẳng định. Các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại sẽ buộc các nhà khai thác giảm giá dịch vụ và sản phẩm trong mùa cao điểm.

Một vấn đề quan trọng khác trong ngành du lịch hiện nay, đó là sự chuyển đổi từ mô hình du lịch truyền thống sang mô hình du lịch bền vững hơn. Các chuyên gia cho rằng du lịch cần phải tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng ít tài nguyên hơn (đặc biệt là nước) và có tác động tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách. Khách hàng cũng ngày càng quan tâm hơn tới khía cạnh này.

Trong cả ngắn hạn và dài hạn, du lịch còn bị đe dọa bởi lạm phát và xung đột địa phương, chiến tranh quốc tế. Những yếu tố trên khiến một số điểm đến không thể tiếp cận được hoặc ngăn cản nguồn khách du lịch tiềm năng rời khỏi đất nước của họ hoặc phải thắt lưng buộc bụng cho những chi tiêu thiết yêu.

Ở Nga có nhiều công ty lữ hành tổ chức các chuyến du thuyền giữa Moskva và Saint Petersburg, các chuyến du lịch tại Siberia và kỳ nghỉ dưỡng tại hồ Baikal... Tuy nhiên, hoạt động này đã bị gián đoạn lâu dài do cuộc xung đột ở Ukraine. Không ai còn du lịch đến Syria nữa, nơi một thời được các đơn vị tổ chức các hành trình di sản và văn hóa rất ưa thích... Miền Nam Algeria, Libya và Afghanistan vẫn là những khu vực “không thể tiếp cận” đối với du khách. Niger không phải là một điểm đến du lịch nổi bật, song biến động chính trị tại nước này có thể ảnh hưởng đến du lịch tới châu Phi. Còn đối với Trung Quốc, việc đi du lịch là đã được nối lại, song chính quyền địa phương dường như không khuyến khích công dân của họ đi du lịch ở châu Á và châu Âu.

KHÁNH HẰNG

(Tổng hợp)

.
.
.