Phải giảm thiểu rác thải nhựa, tuyên truyền để thay đổi hành vi trong bảo vệ môi trường, làm tốt công tác bảo tồn, duy trì và phát triển đa dạng hệ sinh học thì mới phát triển được du lịch bền vững. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức hợp tác quốc tế tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, biển Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái”.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, biển Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái” thu hút gần 80 chuyên gia, nhà khoa học, DN tham dự. |
Hội thảo do Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) tổ chức sáng 28/4 nhằm đánh giá kết quả bảo tồn qua 30 năm hình thành và phát triển VQGCĐ, đồng thời luận bàn những giải pháp, định hướng cho giai đoạn sắp tới nhằm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học của VQGCĐ, sử dụng bền vững và phát huy các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, đất ngập nước quý giá phục vụ phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch sinh thái chất lượng cao.
Thả rùa con về biển - hình ảnh biểu tượng không ở đâu có
Tham luận tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế VQGCĐ cho biết, bảo tồn rùa biển là chương trình nhiều năm, bắt đầu từ cuối những năm 1980 và được ưu tiên đặc biệt của VQGCĐ. Việc bảo vệ bãi đẻ, đeo thẻ đánh dấu rùa mẹ và di dời trứng rùa biển về hồ ấp nhân tạo được tiến hành một cách có hệ thống từ năm 1998. Qua 30 năm (từ 1993 - 2022) đã đeo thẻ theo dõi đặc tính sinh học cho 6.611 cá thể rùa mẹ, ghi nhận 12.654 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng với 36.939 tổ rùa được di dời về hồ ấp trứng, ấp nở và thả về biển 2.419.295 cá thể rùa con. Tỷ lệ rùa nở và thả về biển biển đạt hơn 75%. VQGCĐ trở thành nơi đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng các mô hình bảo tồn rùa biển hiệu quả, phù hợp với điều kiện nước ta, từ đó có thể áp dụng cho các vùng khác của Việt Nam.
Bảo tồn rùa là thành quả nổi bật nhất trong 30 năm hình thành và phát triển VQGCĐ. Trong ảnh: Kiểm lâm dời trứng vào hồ ấp tại Bãi Đất Dốc. |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT đánh giá cao nỗ lực của VQGCĐ trong việc giữ gìn đa dạng hệ sinh học rừng biển. Chưa có một nơi nào trên cả nước, lực lượng kiểm lâm có sổ tuần tra rừng ghi chép tỉ mỉ diễn biến rừng, biến động hệ động thực vật theo ngày tháng như Côn Đảo. Thành quả trong 30 năm giữ độ che phủ của rừng đạt gần 80%, rạn san hô ngày càng sinh sôi, sinh vật rừng biển đa dạng là cả một hành trình đầy quyết tâm, cố gắng của cán bộ, nhân viên VQGCĐ. Đặc biệt, thành tựu trong công tác bảo tồn rùa biển rất ấn tượng. “Tour xem rùa đẻ trứng và hình ảnh thả rùa con về đại dương đã trở thành biểu tượng của du lịch Côn Đảo, bên cạnh những sản phẩm về du lịch tâm linh, lịch sử”, ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT nhấn mạnh phải làm tốt bảo tồn thì mới có tài nguyên bền vững phát triển du lịch. |
Hành động để thay đổi hành vi
Dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn rùa biển, đưa tài nguyên rừng biển vào khai thác du lịch, tuy nhiên, VQGCĐ cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đông nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong VQGCĐ. Do vậy, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra những nguy cơ Côn Đảo đang đối diện như biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ nước biển khiến san hô bị tẩy trắng hoặc chết, tình trạng suy thoát chất lượng thảm cỏ biển - sinh cảnh quan trọng của sinh vật biển, trong đó có Bò biển (Dugong).
Hoạt động phục hồi san hô tại VQGCĐ năm 2019. |
PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Chuyên gia Sinh vật biển, cho rằng để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn phải xây dựng được cơ chế hợp tác liên kết giữa VQGCĐ và DN vì hoạt động du lịch sẽ tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái cảnh quan. Nếu làm tốt, chặt chẽ gắn trách nhiệm của DN và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường sinh thái thì các bên đều hưởng lợi bền vững.
Rác thải đại dương thường xuyên tấn công các đảo nhỏ. Trong ảnh: Nhân viên VQGCĐ thu gom rác thải tại Hòn Bảy Cạnh trong tháng 4/2023. |
Tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương, xây dựng công trình trên biển tác động rất lớn đến san hô, suy thoái chất lượng cỏ biển. Do vậy, trong xây dựng phát triển du lịch cần đặc biệt đánh giá kỹ các tác động làm biến đổi san hô và cỏ biển. Ngoài ra, PGS.TS Võ Sỹ Tuấn cho rằng, VQGCĐ cần có chương trình phục hồi, tái tạo Đồi mồi vì số lượng còn lại trên rạn san hô không nhiều và không phát hiện bãi đẻ của Đồi mồi những năm gần đây là câu hỏi mà giới chuyên gia, khoa học đang rất quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa của WWF trình bày các giải pháp giảm rác thải nhựa cho Côn Đảo. |
Vần nạn rác thải nhựa, xả thải xuống biển, rác thải đại dương tấn công gây hại cho sinh cảnh và các loại thủy sinh khác cũng được chia sẻ nhiều tại hội thảo. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nhựa, không xả thải bừa bãi, thu gom rác thải để tác động vào ý thức của cộng đồng dân cư, khách du lịch thì cũng cần một giải pháp cứng rắn hơn.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), cho biết, WWF đang làm việc với các khu dân cư, hãng tàu, máy bay, DN lữ hành thực hành phân loại rác, tuyên truyền cho du khách những biện pháp giảm rác thải nhựa phát sinh. Quá trình tuyên truyền số đông đã có thực hành, nhưng cái khó nhất là thay đổi hành vi. Thay vì dùng chai nhựa, túi li lông thì nhiều người đã chuyển qua dùng những vật dụng sử dụng lại được nhiều lần. “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để làm sao xây dựng được chính sách bước đầu giảm tối đa sử dụng sản phẩm nhựa và cũng có thể cùng với chính quyền địa phương có hành động quyết liệt hơn nữa để biến ý thức thành hành động nói không với rác thải nhựa, đó mới là điều tiên quyết bảo vệ bền vững môi trường, sinh thái cho Côn Đảo”, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cho hay.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA - ĐINH HÙNG