Điểm sáng du lịch
Trong bức tranh chung trầm lắng của kinh tế quý I/2023, du lịch là một trong những điểm sáng hiếm hoi, dù tốc độ hồi phục chưa như kỳ vọng.
Du khách nước ngoài tham quan kios bán nón, mũ của bà Nguyễn Thị Kim Thủy tại chợ Hòa Long (TP.Bà Rịa). |
Tăng trưởng ấn tượng
Trong suốt năm 2022, du lịch nội địa vốn là thị trường chủ lực lâu nay của Bà Rịa - Vũng Tàu phục hồi tương đối tốt. Sang quý I/2023, thị trường này tiếp tục đà tăng trưởng.
Theo báo cáo từ Sở Du lịch, trong tháng 3, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 5,66 % so với tháng cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú đạt 331.441 lượt, tăng 17,74% so với tháng cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú tăng 6,74% so với tháng cùng kỳ với 13.782 lượt.
Như vậy tính từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đã đón và phục vụ 3.469.652 lượt khách, với tổng doanh thu 3.469 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm, lượt khách và doanh thu đều tăng lần lượt gần 22% và 12% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú tăng hơn 42% so với cùng kỳ, tương đương 48.381 lượt.
Ngoài sự phục hồi của khách quốc tế đường biển, nhiều đoàn lữ hành đến từ Ấn Độ, Úc và một số quốc gia Đông Nam Á đến tìm hiểu cảnh quan, dịch vụ của Bà Rịa-Vũng Tàu hứa hẹn mở ra cơ hội thu hút khách đến từ những thị trường trên.
Đáng chú ý, khách quốc tế tàu biển trở lại không chỉ mang đến sự nhộn nhịp, phấn khởi cho điểm đến mà còn giúp chuỗi cung ứng dịch vụ hưởng lợi. Bán kios thời trang tại chợ Hòa Long (TP.Bà Rịa) nhiều năm nay, bà Kim Thủy chia sẻ, trước dịch COVID-19, kios của bà thường xuyên có khách nước ngoài ghé mua sắm.
Bẵng đi hơn 2 năm cách đây khoảng 1 tháng mới có khách nước ngoài trở lại. Khách nước ngoài rất thích nón lá. Họ xem, đội thử chụp ảnh. Nhiều khách còn mua về làm kỷ niệm. “Họ nói chuyện rất lịch thiệp. Bán được hay không không quan trọng. Với tôi, giao tiếp, chuyện trò với họ cũng là một niềm vui. Còn khi bán hàng, tôi luôn nói đúng giá để khách mua vui vẻ”, bà Kim Thủy nói.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lượng khách và doanh thu du lịch trong 3 tháng đầu năm tăng là nhờ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày kéo khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỉnh, địa phương và DN tích cực kết nối du lịch; tổ chức các sự kiện thể thao, giải trí cuối tuần thu hút du khách; đón tiếp các đoàn famtrip quốc tế đến khảo sát dịch vụ. Bên cạnh đó, cộng đồng kinh doanh du lịch, dịch vụ cam kết giữ giá bán dịch vụ ổn định, chung sức tạo môi trường an toàn, lành mạnh, làm hài lòng du khách. |
Đoàn du khách Anh tham quan nhà cổ Nguyễn Hoàng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. |
Còn những khoảng lặng
Trong bức tranh chung kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu tăng trưởng chậm lại trong quý I, thì gần như chỉ số về du lịch - dịch vụ là điểm sáng nhất. Dù vậy, mức tăng này có phần giảm so với trước dịch và cùng kỳ năm 2022 - thời điểm Bà Rịa-Vũng Tàu đón làn sóng bùng nổ du lịch hậu dịch.
Nhiều cơ sở lưu trú chia sẻ, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đang quay lại chu kỳ “đông đúc cuối tuần, vắng vẻ ngày thường” vốn dĩ nhiều năm qua. Những khách sạn, resort sát biển luôn kín phòng cuối tuần, nhưng trong tuần chỉ tầm 20-40% công suất.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do sản phẩm du lịch nghèo nàn, thiếu không gian giải trí, vui chơi kéo khách. Dịch vụ của Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chủ yếu lưu trú và tắm biển, nên chỉ phù hợp nghỉ xả hơi cuối tuần. Một số resort, khách sạn lớn nỗ lực tạo sự kiện thể thao, giải trí song cũng chủ yếu phục vụ khách nội bộ.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút khách từ những địa phương lân cận hoặc tương đồng về lợi thế du lịch biển. Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu du lịch. Những người khá giả về kinh tế và thời gian thì lựa chọn du lịch nước ngoài vì chi phí so với trong nước tương đương hoặc rẻ hơn.
Môi trường du lịch vẫn nhiều “hạt sạn” như tình trạng hét giá, giả mạo website đặt phòng… cũng là thách thức lớn với Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã phát động phong trào tổng chỉnh trang đô thị, trong đó bao gồm xây dựng ý thức của nhân dân về nếp sống văn hoá, văn minh đô thị nhằm quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, các huyện, thị, thành phố đều đã xây dựng kế hoạch tổng thể từ tôn tạo cảnh quan đô thị, làm đẹp ngõ xóm, quản lý trật tự xây dựng, quản lý về môi trường, nâng cao trình độ giao tiếp nhằm tạo ra một mặt bằng văn minh, lịch sự trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ cho du lịch.
Các chuyên gia du lịch nhìn nhận, các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường sạch đẹp luôn phải duy trì và ngày càng nâng lên. Do đó, việc chỉnh trang đô thị cần được làm thường xuyên, nhằm thấm sâu vào ý thức của cả DN, du khách, cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: KIM VINH