.

Hiến kế đưa du lịch 'cất cánh'

Cập nhật: 18:50, 15/03/2023 (GMT+7)

Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề“Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Diễn ra trong bối cảnh du lịch chưa thu hút khách quốc tế như kỳ vọng dù nằm nhóm quốc gia mở cửa sớm nhất, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ rào cản để ngành công nghiệp không khói tăng tốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.

Nhận diện rõ hạn chế

Đúng 1 năm trước - ngày 15/3/2022, Việt Nam tuyên bố mở cửa du lịch với thế giới. Sự kiện này được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định Việt Nam là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở sớm nhất thế giới. Sau 1 năm mở cửa, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là “bùng nổ” du lịch nội địa. 

Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt trong năm 2022, tăng gấp rưỡi so với mục tiêu đề ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nôi địa của năm 2019. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022. 

Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022. Khách nội địa đạt 20 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, thị trường nội địa trở bệ đỡ vững chắc cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam ngay năm đầu hậu dịch. Trong khi lượng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tiến triển theo hướng tăng dần song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ VH-TT- DL cũng chỉ rõ nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam kém cạnh tranh thu hút khách quốc tế. Cụ thể, DN du lịch Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn. 

Đề nghị bãi bỏ quy định mua bảo hiểm COVID-19
Đề xuất giải pháp thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tình hình mới, Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị bãi bỏ quy định mua bảo hiểm COVID-19 đối với khách quốc tế. Vì hiện nay việc điều trị COVID-19 không còn nhiều phức tạp và tốn kém. Do đó, yêu cầu khách du lịch quốc tế mua bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19 là không cần thiết, gây tâm lý e ngại với du khách. 
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề xuất nhiều giải pháp toàn diện phát triển du lịch, gồm: miễn thị thực nhập cảnh đối với những thị trường trọng điểm có lượng khách lưu trú dài ngày; tăng thêm thời gian miễn thị thực; cải thiện chính sách miễn thị thực cùng với thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thị thực quá cảnh và không thay thế chính sách miễn thị thực với các hình thức khác; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi cho DN du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù; có chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, người dân tham gia đầu tư phát triển các ngành nghề gắn với chương trình phát triển du lịch của địa phương; có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể, đối tác cùng tham gia làm du lịch và dân cư trên địa bàn.

Chính sách phải cụ thể, khả thi

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện các DN lữ hành, hàng không, địa phương đều cho rằng để đạt được mục tiêu trên không quá khó. Tuy nhiên, đối với chương trình đẩy nhanh phục hồi du lịch, cần phải có những chính sách hết sức cụ thể, khả thi, giao cho từng cơ quan làm ngay. 

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất phải có những cải cách mạnh hơn nữa về visa du lịch. Cụ thể, sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh, tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần. Gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm như Australia, Canada, các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ…  

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới được thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch. “Việt Nam muốn đón loại khách chi trả cao, để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia vào để chuyển khách hàng cho chúng ta”, ông Vũ Thế Bình nói. 

Đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), ông Võ Anh Tài-Phó Tổng Giám đốc, kiến nghị cần sớm triển khai kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn chuyên nghiệp, hiệu quả với ngân sách tương ứng. Liên kết chặt chẽ giữa DN lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác lớn, địa phương trong quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường vai trò các cơ quan đối ngoại đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, vì đây là kênh xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư quan trong của Việt Nam tại nước ngoài.

Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam. Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch.

Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
.
.
.