.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH

Cung cấp dịch vụ du khách cần, chứ không phải cái sẵn có

Cập nhật: 19:12, 21/12/2022 (GMT+7)

Hiện nay, các nước châu Âu đang là mùa Đông, thời tiết lạnh. Trong khi nước ta có những vùng nắng ấm, thời tiết đẹp. Cần nghiên cứu, cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Đó là một trong những nội dung trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sáng 21/12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế. Tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Thị thường khách quốc tế phục hồi chậm

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho biết, năm 2022, cả nước đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dù tỷ lệ khách quốc tế lưu trú tăng 99% kế hoạch, đạt 155.494 lượt, song vẫn khá thấp. Hiện nay, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như: ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Âu... đã dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, khởi động nhiều chính sách để khai thông hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế.

Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế về tình hình phát triển du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế vào Việt Nam nói riêng. Các đại biểu cho rằng, khách du lịch vào Việt Nam còn ít một phần do tác động của tình hình xung đột, diễn biến dịch và chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của một số nước. Một phần do nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam còn hạn chế. Chính sách visa chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú ở Việt Nam...

Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, thu hút nhiều khách du lịch hơn, cần có một chương trình phát triển du lịch mang tổng thể quốc gia. Trong đó, triển khai đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch; thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào phát triển du lịch; hỗ trợ các DN du lịch và ngành liên quan về vốn, thuế, phí để đầu tư khôi phục, phát triển du lịch; thành lập ban chỉ đạo phát triển du lịch; mở thêm các đường bay tạo điều kiện cho khách du lịch đến các điểm du lịch thuận lợi.

Cung cấp dịch vụ khách du lịch cần

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế về tình hình phát triển du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế vào Việt Nam nói riêng. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới trong lĩnh vực du lịch theo hướng “cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách du lịch cần, chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”.

Giữa du lịch Việt Nam, du lịch khu vực và thế giới có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực. Việt Nam phải cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, khai thác các yếu tố riêng của Việt Nam, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế.

Ngành du lịch phải nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ; tập trung khai thác thị trường khách du lịch truyền thống, thị trường khách du lịch chất lượng cao, mở rộng thị trường tiềm năng, có khả năng tăng trưởng nhanh, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Các bộ, ngành, các cấp cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế, áp dụng thị thực điện tử; nghiên cứu mở rộng cơ chế thí điểm miễn, kéo dài thị thực nhập cảnh cho công dân các nước; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Tăng cường xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, trong đó có việc mở các văn phòng đại diện quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Tăng cường đối tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch; tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.

Làm sao để du khách quốc tế đến với Việt Nam thực sự cảm nhận “Trăm nghe không bằng một thấy, đến một lần muốn đến lần thứ hai, đến một lần rồi nhớ mãi, người này đến lại truyền cảm hứng cho nhiều người khác đến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Bài, ảnh: KIM VINH

.
.
.