.

Bắt tay nâng chất lượng nhân lực du lịch

Cập nhật: 20:40, 07/10/2022 (GMT+7)

Sau khi mở cửa du lịch, dù việc thu hút khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu rất khả quan, song ngành du lịch và các DN đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động có tay nghề.

Đại diện The Grand Hồ Tràm Strip, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu và khách sạn Parami Hồ Tràm ký kết hợp đồng nguyên tắc về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Đại diện The Grand Hồ Tràm Strip, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu và khách sạn Parami Hồ Tràm ký kết hợp đồng nguyên tắc về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Hơn 5.000 lao động cần đào tạo tay nghề

Hơn 2 tháng đăng tuyển nhân sự ở những vị trí cốt cán như giám đốc điều hành, trưởng phòng kinh doanh và phụ trách lễ tân, một khách sạn 4 sao tại TP. Vũng Tàu vẫn chưa tuyển được người ưng ý. Đại diện chủ đầu tư khách sạn này cho biết, nhân sự khách sạn muốn tuyển phải có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm ở vị trí công việc tương đương, đồng thời là người địa phương để họ gắn bó lâu dài nhưng không dễ tìm được. Khách sạn nhận được hơn 50 hồ sơ xin việc, chủ yếu là SV mới tốt nghiệp, chưa hội đủ kỹ năng, kinh nghiệm làm quản lý. Điện thoại liên hệ những người đã gắn bó với khách sạn trước dịch thì hầu hết đã chuyển nghề hoặc không muốn quay lại công việc cũ.

“Tâm lý chung là sợ tính bất ổn của ngành du lịch sau gần 2 năm dịch COVID-19 xảy ra. Để có người làm việc, chúng tôi tổ chức phỏng vấn trực tiếp chọn ứng viên mong muốn phát triển bản thân, có ý hướng gắn bó lâu dài với nghề rồi đào tạo thêm văn hóa, phong cách của khách sạn”, đại diện khách sạn này nói.

Trên thực tế, tình trạng mất cân bằng cung và cầu nhân lực ngành du lịch vốn là vấn đề nan giải từ lâu. Trước đại dịch, Tổng cục Du lịch thống kê chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch (đào tạo nghề hoặc tương đương), 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Sau khi đại dịch được kiểm soát, Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, tình trạng thiếu hụt lao động và những bất cập trong ngành càng bộc lộ rõ rệt hơn.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, dù tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nhưng dịch COVID-19 tác động khiến hoạt động kinh doanh của các DN du lịch, dịch vụ ngưng trệ dẫn đến tình trạng nhiều lao động có chuyên môn cao nghỉ việc, chuyển nghề. Lao động mới tuyển dụng chưa đồng bộ về tay nghề, trình độ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại các DN kinh doanh du lịch. Qua khảo sát có hơn 5.000 lao động cần đào tào tạo, bồi dưỡng tay nghề lễ tân, buồng, bàn, bếp, quản lý bộ phận. Trong đó có 1.600 lao động cần đào tạo cấp tốc để kịp thời đáp ứng yêu cầu công việc.

“Sở Du lịch sẽ phối hợp Sở LĐ-TB-XH tham mưu, báo cáo UBND tỉnh cho phép mở các lớp đào tạo nghề cấp tốc, ngắn hạn để bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng phục vụ, đáp ứng tốc độ phục hồi du lịch nhanh và mạnh hiện nay”, ông Trịnh Hàng thông tin.

Kết nối cơ sở đào tạo với doanh nghiệp

Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực chuẩn về tay nghề, chuyên nghiệp trong phục vụ, đòi hỏi người lao động phải được đào tạo bài bản lý thuyết và thực hành từ các cơ sở đào tạo nghề về du lịch.

Tại hội nghị kết nối đào tạo nguồn nhân lực và kích cầu du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 diễn ra ngày 30/9, Sở Du lịch đã kết nối các cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn với hơn 40 cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên.

Tại hội nghị, các cơ sở đào tạo đã giới thiệu giải pháp đào tạo gắn với thực tiễn và nhu cầu của DN như: mô hình Hotel School - khách sạn trường của Trường Cao đẳng nghề Khách sạn du lịch quốc tế Imperial, chương trình học kỳ DN của trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu, đào tạo theo đặt hàng của Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu.

Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc liên kết nhà trường - DN giữa: Trường Cao đẳng nghề Khách sạn du lịch quốc tế Imperial và Carmelina Resort; Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu và Charm Group, Carmelina Resort và khách sạn Parami Hồ Tràm; Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu với The Grand Hồ Tràm Strip.

Bên cạnh đó, các bên cũng thống nhất đề xuất UBND tỉnh cơ chế 4 bên cùng góp kinh phí đào tạo nhân lực du lịch. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo định mức quy định của chính sách đào tạo nghề ngắn hạn, cơ sở dạy nghề du lịch hỗ trợ học bổng 20%, DN kinh doanh dịch vụ du lịch hỗ trợ 20-30% và người lao động chi trả phần kinh phí còn lại.

Trong bối cảnh nhân lực du lịch “chảy máu” trong 2 năm du lịch “đóng băng” vì dịch COVID-19, giải pháp trên được xem là khả thi nhằm bổ sung nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong quá trình DN kiến thiết lại hoạt động kinh doanh hậu dịch.

Thạc sĩ Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cho rằng đề xuất trên giải quyết bài toán có nhân lực để vận hành trơn tru bộ máy tại DN. DN cũng đỡ gánh nặng chi phí đào tạo và người học được trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu.

Bà Lê Thị Thanh Thái, Phó Chủ tịch Phụ trách đối ngoại The Grand Hồ Tràm Strip cho hay, gần 10 năm nay, The Grand Hồ Tràm Strip đã chủ động hợp tác với Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu tiếp nhận SV nhà trường đến thực tập, đồng thời theo dõi quá trình học tập, thái độ làm việc của SV. Với những SV xuất sắc, The Grand Hồ Tràm Strip tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. “Việc kết nối cơ sở đào tạo với DN là rất cần thiết, mở ra cơ hội giúp các nhà trường có đầu ra cho SV, và ngược lại DN cũng có địa chỉ hợp tác để nâng cao năng lực, tay nghề cho người lao động”, bà Thái nhận xét.

Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực phục hồi du lịch, tập trung nhiều giải pháp thu hút du khách khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn sau gần 2 năm dịch COVID-19 hoành hành. Tỉnh cũng xác định nguồn nhân lực vững chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên nghiệp trong phục vụ sẽ mang đến chất lượng dịch vụ tốt làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Vì vậy, việc kết nối cơ sở đào tạo với DN kinh doanh dịch vụ, du lịch hứa hẹn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.