Trăn trở tiềm năng du lịch Suối Rao
Suối Rao trong suy nghĩ của nhiều người là một xã vùng sâu vùng xa, kinh tế khó khăn của huyện Châu Đức. Thế nhưng, ký ức ấy đang lùi dần. Đến Suối Rao hôm nay, ai cũng phải ngỡ ngàng vì kinh tế dịch vụ dần “bén rễ đâm chồi” trên vùng đất này. Trên cung đường Suối Rao - Đá Bạc, Suối Rao-Xuân Sơn nhiều khu du lịch sinh thái đang hình thành, đưa Suối Rao trở thành từ khóa tìm kiếm “hot” trên bản đồ du lịch.
Đại diện Sở Du lịch và Phòng VH-TT huyện Châu Đức khảo sát dịch vụ và hướng dẫn thủ tục kinh doanh lưu trú tại Suối Rao Forest. |
Đánh thức tài nguyên bản địa
Những căn nhà gỗ mái ngói xinh xắn nằm hòa mình dưới tán cây. Trảng cỏ xanh mướt, lối đi trải đá bên hoa kiểng khoe sắc. Từng chi tiết nhỏ đều tôn trọng tự nhiên nhưng có sự sắp đặt, chăm chút của con người. Không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, sảng khoái. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến Suối Rao Forest (thôn 2, xã Suối Rao).
Bà Phan Thị Xuân, đại diện Suối Rao Forest cho biết, đại dịch COVID-19 làm thay đổi xu hướng du lịch của nhiều người. Họ thích tìm về nông thôn thanh vắng, gần gũi thiên nhiên, quây quần nghỉ ngơi bên người thân thay vì đến những trung tâm du lịch đông đúc, ồn ào. Đất của bà nằm sát rừng phòng hộ Xuân Sơn-Suối Rao, khí hậu quanh năm mát mẻ, nên từ cuối năm 2020, bà bắt tay xây dựng Suối Rao Forest theo mô hình du lịch trải nghiệm, tái tạo năng lượng dựa vào thiên nhiên.
“Không tính khoảng thời gian giãn cách xã hội, khoảng thời gian trước đó và sau dịch đến nay, Suối Rao Forest đón khá nhiều du khách đến tìm hiểu dịch vụ, dừng chân nghỉ ngơi trên hành trình trekking chinh phục rừng Xuân Sơn - Suối Rao. Nhiều nhóm gia đình còn mong muốn lưu lại nghỉ dưỡng để tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh tại vùng nông thôn”, bà Xuân cho hay.
Cách đó không xa, Suối Rao Ecolodge cũng đang được du khách yêu thiên nhiên truyền tai nhau bởi sự đa dạng sinh học. Theo bà Lê Thị Nga, chủ Suối Rao Ecolodge chia sẻ, ít có nơi nào hội tụ đầy đủ địa hình rừng, thung lũng, hồ, đập như Suối Rao. Đây là điều kiện thuận lợi giúp đất đai màu mỡ, động thực vật dễ sinh trưởng. Khi có bàn tay con người tác động chăm bón thêm cây cối sẽ tốt tươi quanh năm. “Khuôn viên sinh thái của Suối Rao Ecolodge ngập tràn sắc xanh với khoảng 1 triệu cây xanh chính nhờ các yếu tố trên”, bà Lê Thị Nga cho biết.
Khi dựa vào tự nhiên, tôn trọng tự nhiên và không ngừng làm cho tự nhiên thêm đẹp, Suối Rao Ecolodge cũng lựa chọn khách đến. Nơi đây, không đón khách đại trà, mà chỉ rộng cửa đón tiếp người biết trân quý thiên nhiên, môi trường sống với tôn chỉ bền vững, sinh thái.
Bà Trương Kim Cúc (ở Xuyên Mộc) chia sẻ, bà vừa có kỳ nghỉ tái nạp năng lượng đúng nghĩa tại Suối Rao Ecolodge. Được thức dậy với tiếng chim rừng ca hót, suối chảy róc rách, bình minh xuyên kẽ lá còn đọng sương đêm. Nhâm nhi tách cà phê trong không gian tĩnh lặng chỉ có thanh âm tự nhiên của rừng, cây cối, chim muông… Những thứ mà rất lâu rồi bà chưa được “chạm” vào. “Dù là kỳ nghỉ ngắn, lại rất gần nhà vì từ Xuyên Mộc qua Suối Rao chưa đầy 30 phút di chuyển, nhưng Suối Rao Ecolodge đã giúp tôi xả stress, cân bằng tinh thần hiệu quả”, bà Cúc nói.
Trồng cây, tôn tạo khuôn viên tại Đinh Gia Trang. |
Mong muốn hình thành cộng đồng du lịch
Địa bàn Suối Rao có rừng phòng hộ Xuân Sơn - Suối Rao với nhiều loại cây rừng lớn được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong địa hình có các thung lũng nhỏ nằm xen kẽ vùng đồi thấp và nhiều kênh, suối hồ thủy lợi, trong đó hồ Suối Giàu rộng hơn 45ha nguồn nước dồi dào quanh năm. Điều kiện địa hình trên giúp khí hậu Suối Rao ôn hòa, mát mẻ, thuận lợi cho nông nghiệp.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Suối Rao, trước đây, sinh kế của phần lớn người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Khoảng 5 năm gần đây, nhờ được đầu tư về hạ tầng giao thông kết nối, Suối Rao thu hút nhiều nhà đầu tư tìm về. Nguồn lực từ xã hội giúp thay đổi diện mạo nông thôn, nhà cửa khang trang, chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao hơn.
Trên địa bàn có gần 10 điểm dừng chân, mô hình du lịch sinh thái được người dân địa phương, nhà đầu tư nơi khác đến đầu tư xây dựng. Các khu, điểm này quảng bá giúp lan tỏa hơn vẻ đẹp địa phương đến du khách, nhất là những người yêu nét đẹp tự nhiên của rừng cây, hồ nước. Tuy nhiên, để phát triển Suối Rao thành điểm đến trên bản đồ du lịch, đòi hỏi phải hình thành cộng đồng làm du lịch chuyên nghiệp.
Cuối năm 2020, bà Trịnh Thị Hường mua lại cà phê Đất Rồng. Sang năm 2021, bà đổi tên thành Đinh Gia Trang và bắt đầu quá trình đầu tư thành điểm sinh thái nghỉ dưỡng đúng nghĩa với khu cắm trại và hoạt động ngoài trời, không gian văn hóa Bắc Bộ, không gian nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản dành cho khách quốc tế. Hiện nay, bà đang gấp rút đầu tư để kịp đưa vào sử dụng vào đầu năm 2023.
Trong định hướng xa hơn, Đinh Gia Trang mong muốn trở thành một phần trong cộng đồng du lịch địa phương, đưa văn hóa bản địa vào phục vụ du khách. Người dân địa phương vừa tham gia phục vụ trong các cơ sở du lịch, vừa cung cấp dịch vụ cho DN trên địa bàn và cả khách du lịch. Đây cũng là nguyện vọng của hầu hết chủ điểm đến trên địa bàn Suối Rao.
“Mỗi gia đình là một hộ kinh doanh du lịch. Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch. Nhưng để kết nối từng cá thể nhỏ lẻ thành cộng đồng phát triển du lịch chuyên nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, gỡ khó của chính quyền”, bà Phan Thị Xuân nói.
“Quan điểm của huyện là hỗ trợ tối đa trong thẩm quyền. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền, UBND huyện sẽ đề xuất lên cấp tỉnh và sẽ có câu trả sớm nhất, trên tinh thần là gỡ khó, tạo thuận lợi cho DN phát triển nhằm đánh thức những tiềm năng, lợi thế đặc trưng của địa phương”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nói. |
Sự chung tay nỗ lực của các cấp
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cũng đồng quan điểm trên. Ông Liêm cho rằng, nếu chỉ DN tự thân vận động thì sẽ làm không đến nơi. Chính quyền địa phương, các phòng ban phải chung tay, nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ DN để kịp thời tham mưu UBND huyện có hướng hỗ trợ cho DN.
Từ chủ trương đó, 2 cuộc gặp mặt DN du lịch-dịch vụ trên địa bàn xã Suối Rao nói riêng và toàn huyện với Sở Du lịch, các phòng ban của huyện Châu Đức đã được tổ chức trong tháng 7, 8.
Tại buổi gặp mặt, các DN đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và được đại diện Sở Du lịch, các phòng, ban chuyên môn của huyện giải đáp, “chỉ điểm” từng địa chỉ liên hệ hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA