.

Thời cơ vàng phát triển liên kết du lịch vùng

Cập nhật: 19:01, 12/08/2022 (GMT+7)

Du lịch cả nước phục hồi mạnh mẽ, trong đó Đông Nam bộ tiếp tục được đánh giá là cực tăng trưởng quan trọng. Giới chuyên gia nhận định đây là thời điểm thuận lợi triển khai các hoạt động liên kết, thúc đẩy phát triển toàn diện du lịch vùng. 

 Một hoạt động khảo sát du lịch Tây Ninh trong khuôn khổ ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025 vào tháng 6/2020.
Một hoạt động khảo sát du lịch Tây Ninh trong khuôn khổ ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025 vào tháng 6/2020.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực  

Đầu tháng 8, tại Khách sạn Vias (số 179 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu) Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay”. Tham gia lớp học có gần 80 học viên là cán bộ, công chức chuyên trách về du lịch; quản lý, điều hành khách sạn vừa và nhỏ, homestay đến từ các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ.

Dù thời gian tập huấn chỉ 3 ngày, nhưng lớp học cung cấp nhiều kiến thức hữu ích, nhất là trong giai đoạn nguồn nhân lực biến động lớn hậu dịch. 

Ông Trần Trung Quảng, Tổng Quản lý Fleur De Lys Resort (TT. Long Hải, Long Điền) cho biết, người làm ngành du lịch luôn cần phải trau dồi, cập nhật kiến thức mới, nhất là hậu dịch COVID-19 thị hiếu du lịch thay đổi khá nhiều. Du khách chuộng du lịch cá nhân, theo nhóm nhỏ lẻ, chọn lưu trú trong homestay hoặc khách sạn nhỏ biệt lập. 

“Khóa học không chỉ bổ ích về kiến thức mà cách chuyển tải kiến thức của giảng viên rất sinh động, mang lại năng lượng tích cực cho người học. Nguồn năng lượng này cực kỳ cần thiết với người làm nghề du lịch trong bối cảnh vết thương hậu dịch chưa lành hẳn”, ông Trần Trung Quảng nhận xét.

Còn với bà Hồ Trúc Yến Vy, đang công tác tại Khách sạn Becamex Bình Dương, thông qua lớp học, bà quen nhiều người cùng làm nghề du lịch ở nhiều tỉnh, thành trong vùng. “Biết thêm một người sẽ thêm cơ hội quảng bá để lan tỏa về khách sạn. Đó cũng là một cách cụ thể hóa liên kết vùng”, bà Yến Vy nói.

Trước đó, giữa tháng 7, tại Bình Dương lớp tập huấn quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch cũng được Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và Sở VH-TT-DL Bình Dương mở với gần 90 người học đến từ các tỉnh, thành Đông Nam bộ. 2 lớp học trên nhằm cụ thể hóa thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025.

Từ năm 2020, các tỉnh, thành Đông Nam bộ bắt tay ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch giai đoạn 2020-2025. Nội dung thỏa thuận gồm liên kết trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối tour, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá, mời gọi đầu tư về du lịch.

Không kể khoảng thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 bùng phát khiến du lịch đóng băng trong hơn 6 tháng của năm 2021, các hoạt động liên kết trước và hậu dịch được đánh giá thực chất, có chiều sâu. Các địa phương trong vùng đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển trong cơ chế thị trường hiện nay, khi mà yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các vùng.

Liên kết vùng cần đi vào thực chất

Ngành du lịch cả nước đang ra sức phục hồi sau 2 năm “đóng băng” do đại dịch. Để kích cầu du khách tham quan, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ cũng tổ chức nhiều hoạt động liên kết, chương trình ưu đãi khách hàng, hội chợ triển lãm, tuần lễ du lịch, ẩm thực rầm rộ. Những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối vùng cũng được Chính phủ khơi thông cả đường bộ, thủy, hàng không. Cụ thể, sân bay Long Thành đang thi công; đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cũng đã được quyết định đầu tư; đường vành đai 4, đường sắt… đang khởi động. Thời cơ vàng thúc đẩy phát triển toàn diện vùng, trong đó có du lịch đã đến. 

Thế nhưng, để liên kết vùng đạt hiệu quả thực chất, ngoài tương đồng về chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng xã hội và các dịch vụ bổ trợ đồng bộ, các địa phương phải tiếp tục gắn kết bổ sung cho nhau với nhiều cấp độ sản phẩm nhằm đáp ứng các đối tượng khách hàng khác nhau.

Tại “Diễn đàn liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” do TP.Hồ Chí Minh tổ chức trong 2 ngày 8 và 9/8 vừa qua, câu chuyện liên kết vùng Đông Nam bộ được nhiều đại biểu đề cập. Các đại biểu đề xuất cần tiếp tục xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và hoàn thiện điểm đến du lịch cho vùng Đông Nam bộ; khảo sát, xây dựng tour kết nối liên vùng Tây Nguyên - Đồng Nai - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh - Miền Tây; tham gia hội chợ du lịch; tăng cường quảng bá du lịch vùng trên các kênh truyền thông du lịch trong và ngoài nước; lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, độc đáo để giới thiệu cho các DN du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác; xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa và quốc tế theo mùa, từng năm…

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

.
.
.