"Trái tim tôi luôn có rừng trong đó"
Ông yêu rừng như máu thịt, hằng ngày vẫn băng qua hàng chục km đường rừng, kể cho du khách nghe chi tiết từng gốc cây, ngọn cỏ trong những chuyến trekking.
Ông Lê Duy Thu (trái) giới thiệu các loại cây gỗ quý với đoàn khách tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. |
Khác với suy nghĩ của tôi, người dẫn tour đi rừng phải là những chàng trai trẻ, khỏe, nhưng người dẫn tour thám hiểm Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu lại là một người đàn ông tuổi 60. Ông tên là Lê Duy Thu, Trưởng Phòng Giáo dục truyền thông và Môi trường sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).
Chúng tôi nhanh chóng theo chân ông, băng qua con đường mòn nhỏ trong rừng và luồn lách qua những rừng tràm cổ thụ. Vừa đi, ông Thu vừa giới thiệu một cách mạch lạc, chi tiết về khu bảo tồn. Dừng chân bên cây kơ-nia thân bằng 2-3 vòng tay người ôm mới xuể, tỏa bóng mát, ông Thu kể về rừng một cách say sưa…
Hỏi chuyện về ông mới biết, sau khi tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp, từ Phú Thọ, ông xách ba lô Nam tiến. Bình Châu-Xuyên Mộc là điểm đến trong hành trình xa quê lập nghiệp của ông. Năm 1980, ông Lê Duy Thu tự nguyện gắn bó ở Lâm trường Xuyên Mộc ngay khi đặt chân đến. Ông đã yêu rừng và gắn bó với rừng từ đó.
Cũng vì yêu rừng nên mặc dù có nhiều cơ hội chuyển đổi từ đơn vị này sang đơn vị khác nhưng nhất định vẫn phải là một công việc gắn bó với rừng Bình Châu. Từ Lâm trường Xuyên Mộc, năm 1993, ông Lê Duy Thu chính thức chuyển sang làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (khi đó gọi là rừng cấm Bình Châu - Phước Bửu) và gắn bó từ đó đến nay.
Tôi hỏi lý do vì sao ông lại gắn bó với công việc ở rừng Xuyên Mộc lâu như vậy, ông chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm trong ngành lâm nghiệp. Trong máu thịt, trong trái tim tôi luôn luôn có rừng trong đó. Rừng là nôi của sự sống. Trong điều kiện hiện nay hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu xảy ra mạnh nên việc quản lý và bảo vệ rừng không của riêng một cá nhân nào mà là trách nhiệm của toàn dân. Tôi muốn đóng góp một phần trách nhiệm của mình trong đó bằng cách truyền đến thông điệp với mọi người bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống thông qua các chương trình dẫn tour tham quan rừng, hướng dẫn các nhà khoa học đến nghiên cứu, hướng dẫn các cháu thiếu nhi đến học tập... Do đó, công việc ở Phòng Giáo dục truyền thông và môi trường sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu giúp tôi làm được điều đó”.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, có diện tích tự nhiên hơn 10 ngàn ha, trải dài trên địa phận 5 xã: Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc, Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc. Muốn đi hết phải mất 2-3 ngày lội bộ. Vậy nhưng dường như ông Thu đã thuộc hết từng gốc cây, từng trảng cỏ, từng khu vực và cả giờ giấc của những đàn thú trong rừng.
Mỗi một cung đường dẫn khách, ông đều kể về rừng bằng tình yêu, niềm say mê bất tận. Người đi cùng dường như cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho khu rừng này như qua từng hơi thở, từng bước chân. 60 tuổi, ông vẫn bước đi thoăn thoắt trong rừng, bất kể những đoạn đường đầy cát bủng, những khúc đầy gai. Ông Thu cho hay, để có thể dẫn khách đi được những tour đường rừng dài 8-10km trong vài giờ đồng hồ thì hàng ngày ông phải tự rèn luyện đạp xe 10-15km.
“Mặc dù lớn tuổi nhưng ngoài rèn luyện sức khỏe, hàng ngày tôi còn phải trau dồi kỹ năng dẫn chuyện, cập nhật thêm kiến thức mới… để có thể dẫn khách tham quan. Có lẽ, càng lớn tuổi tôi càng yêu rừng hơn”, ông Thu nói.
Kết thúc một ngày cuối tuần dẫn khách, tối hôm ấy ông Lê Duy Thu ở lại rừng làm nhiệm vụ trực canh. Theo ông, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu có địa hình bằng phẳng giống như một khu rừng giữa lòng thành phố, có rất nhiều đường chung quanh và cả đường nhựa băng qua rừng… nên nhiều người dễ dàng lén lút vào chặt phá rừng, khai thác làm nương rẫy, đánh bắt động vật hoang dã… Vì vậy, sức ép với khu bảo tồn rất lớn. “Nếu không có tình yêu đặc biệt, những người làm việc ở khu bảo tồn sẽ dễ dàng từ bỏ rừng mà đi. Nhưng với tôi 42 năm hay những năm sau nữa, tôi vẫn gắn bó với khu rừng này”, ông Thu chia sẻ.
Cảm ơn ông, người đã dành cả cuộc đời yêu và “giữ rừng” để thế hệ mai sau có được bầu không khí trong lành; được hưởng những chuyến trekking đặc biệt ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, mà ở đó mỗi bước chúng tôi đi đều đã có dấu chân ông.
Bài, ảnh: QUANG VŨ