Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Đất Đỏ. Do đó, ngoài đầu tư hạ tầng kỹ thuật, huyện luôn quan tâm hỗ trợ DN du lịch về nhân lực, tạo sản phẩm, điểm đến…
Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ phát biểu tại hội nghị giao ban du lịch quý I/2022 chiều 7/4. |
Du lịch khởi sắc
Huyện Đất Đỏ có đường bờ biển dài 17,5km, từ mũi Kỳ Vân đến cửa biển Lộc An với nhiều bãi tắm đẹp, thoai thoải. Hạ tầng giao thông kết nối với các huyện, thành phố xung quanh và nội huyện được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, thuận tiện trong việc di chuyển. Đất Đỏ còn là quê hương của Nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trên địa bàn có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu di tích Minh Đạm, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu và nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh như: Đình-Chùa Thạnh Mỹ, Dốc Cây Cám, Hầm bí mật Nguyễn Thị Đẹp. Dọc chân núi Minh Đạm có một số điểm đến tâm linh, cảnh quan như: Linh quang Tịnh xá Hòn Một, Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên. Huyện thời gian gần đây còn phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao ở các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái, vùng trồng rau…
Từ lợi thế về địa hình, giá trị nhân văn, hệ thống cảnh quan và được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, du lịch Đất Đỏ đã có những bước phát triển đột phá. Nhiều dự án du lịch lớn hoạt động hiệu quả, thu hút khá đông khách du lịch, nhất là từ khi thực hiện theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Kim Hoàn, Giám đốc Ban Quản lý các KDL huyện Đất Đỏ cho biết, ngay sau khi tỉnh cho mở cửa du lịch, các DN trên địa bàn bắt tay xây dựng phương án phòng dịch, đồng thời thận trọng khởi động lại hoạt động. Nhờ vậy, quá trình mở cửa thuận lợi, an toàn. 3 tháng đầu năm 2022, dù một số cơ sở lưu trú, dịch vụ nhỏ chưa mở cửa hoặc đang trong quá trình tu sửa, nâng cấp dịch vụ, chưa hoạt động hết công suất, song doanh thu du lịch trên địa bàn vẫn tăng so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực lưu trú tăng 1,23%, đạt hơn 63 tỷ đồng. Cuối tuần và 2 kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và Lễ Giỗ tổ, công suất lấp đầy phòng tại các resort, khách sạn đạt trên 95%. Riêng ngày thường, nhiều cơ sở vẫn có khách lai rai. Tại các cơ sở lưu trú lớn như: Lan Rừng, Oceanami, Bella Vita, Trân Châu… ngày càng có nhiều đoàn khách MICE về nghỉ dưỡng kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện.
Từ đầu năm đến nay, công suất lấp đầy phòng cuối tuần tại các resort, khách sạn trên địa bàn huyện Đất Đỏ đạt trên 95%. Trong ảnh: Du khách ăn buffet tại Oceanami Resort. |
Cần thêm sản phẩm giữ chân khách
Dù kết quả thu hút khách trong 3 tháng đầu năm khả quan, song huyện Đất Đỏ cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu hụt lao động có tay nghề; thiếu điểm vui chơi, trải nghiệm kéo dài thời gian lưu trú của du khách; chưa khai thác được văn hóa, công việc của cư dân địa phương thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng quản lý Oceanami Resort, cũng giống như tình hình chung của toàn tỉnh, Đất Đỏ rất đông khách vào cuối tuần, lễ tết. Resort phải tuyển thêm lao động thời vụ làm theo giờ, tuy nhiên thuê lao động mới thì cần thời gian đào tạo mới bắt tay vào việc được. DN tìm người cũ thì không dễ vì sau dịch nhiều người đã tìm được việc mới ổn định, không mặn mà với du lịch.
“Tiền công thuê phục vụ giờ đã tăng 40 ngàn đồng/giờ, nhưng tìm đỏ mắt không ra người. Chúng tôi mong địa phương hỗ trợ lan tỏa thông tin tuyển dụng đến tận thôn, ấp, xã và lâu dài là định hướng nghề du lịch cho con em trong huyện”, ông Cường đề nghị.
Tương tự, bà Thiềm Thanh Trang, Trưởng phòng Nhân sự Lan Rừng Resort Phước Hải chia sẻ, hậu quả của COVID-19 khiến sức khỏe, hiệu suất lao động của nhân viên giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút lao động phổ thông khá gay gắt trong khối dịch vụ. Những lao động thời vụ đã biết nghề, có người đã chuyển nghề khác, người lại tìm đến DN trả công cao hơn. DN buộc phải thuê mướn người mới khi khách đông. Từ đây phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười.
“Thỏa thuận xong, tới ngày vào việc, lao động không đến, điện thoại liên lạc cũng không nghe. Người mới chưa có nghiệp vụ thì phải mất thời gian tập huấn tay nghề mới dám cho phục vụ. Do vậy, dù tốc độ phục hồi kinh doanh tốt song DN luôn thắc thỏm”, bà Trang chia sẻ.
Toàn huyện Đất Đỏ có 46 resort, khách sạn, homestay với 1.014 phòng và 355 biệt thự du lịch. Trên địa bàn huyện có 23 dự án du lịch đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng diện tích 797 ha, tổng vốn đăng ký hơn 9.965 tỷ đồng và 25 triệu USD. Tổng vốn thực hiện đạt trên 2.390 tỷ đồng và 7,5 triệu USD. |
Tại buổi giao ban du lịch quý I/2022 ngày 7/4, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ đã ghi nhận những kiến nghị của các DN du lịch địa phương. Đồng thời, đề nghị các DN cần lao động trình độ ra sao, cho công việc gì cần gửi thông tin cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn của huyện.
“Gặp bất cứ khó khăn, vướng mắc gì, DN cần duy trì trao đổi, đề xuất với huyện. Lãnh đạo huyện luôn đồng hành, lắng nghe, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giúp các DN hoạt động thuận lợi”, bà Hồng nhấn mạnh.
Về sản phẩm du lịch để giữ chân khách, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho rằng, du lịch Đất Đỏ hiện phát triển dựa vào lợi thế biển, rừng, thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử gắn với truyền thống cách mạng. Huyện còn thiếu điểm vui chơi, tham quan, thu hút khách lưu lại lâu. Điều này lãnh đạo huyện thấy rõ và rất trăn trở.
Vừa qua, 13 sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được công nhận trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Đây là điền kiện thuận lợi để khai thác thành tour tuyến cho khách tham quan. Huyện cũng đang định hướng cho cơ sở có sản phẩm OCOP phát triển để đưa vào du lịch, song phải đi từng bước một, làm đến đâu chắc đến đó, khi các điểm đến hội đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch thì huyện mới đón khách.
Bài, ảnh: LOAN PHẠM