Du lịch xanh để phát triển bền vững

Thứ Năm, 24/02/2022, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Xu hướng này đã định hình trước đó, nay càng khẳng định rõ hơn từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo giới chuyên gia, du lịch xanh đóng vai trò to lớn trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Du khách ngồi xe ngựa tham quan rừng Bình Châu-Phước Bửu.
Du khách ngồi xe ngựa tham quan rừng Bình Châu-Phước Bửu.

Trào lưu du lịch tìm về thiên nhiên

Trước khi đại dịch bùng phát đã có những thay đổi diễn ra âm thầm nhưng tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch. Đó là những thay đổi về đối tượng du khách, địa điểm du lịch, phương thức di chuyển, thói quen tiêu dùng và sử dụng dịch vụ của du khách.

Tại BR-VT thay đổi này cũng thể hiện rất rõ. Nếu như trước đây, du khách đến BR-VT chủ yếu là khách bình dân, theo đoàn hoặc đi gắn xe máy, gồng gánh đồ ăn thức uống về tắm biển rồi ăn uống xả rác tràn lan. Khách nghỉ dưỡng lưu lại qua đêm có nhưng chủ yếu cuối tuần. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, BR-VT bắt tay lập lại trật tự, cải tạo môi trường bãi tắm, kiên quyết không cho ăn uống nơi công cộng và kết quả đã điều chỉnh được hành vi của du khách. Du khách quen dần với suy nghĩ vui chơi, ăn uống phải đúng nơi đúng chỗ. Bãi tắm là để tắm biển, vui chơi, còn muốn ăn uống thì vào quán sá, nhà hàng. Nhờ vậy, du lịch BR-VT chuyển biến lớn về môi trường tự nhiên và chất lượng khách thu hút về. Thay vì ngập tràn khách bình dân và cuối tuần, các điểm du lịch, resort nghỉ dưỡng dần có khách yêu biển, trân trọng tự nhiên về nghỉ dưỡng trong tuần.

Gần đây khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, xu hướng này tiếp tục thắng thế. Nhiều DN du lịch chia sẻ, từ đầu tháng Giêng đến nay lượng khách rải khá đều trong tuần. Những resort, khách sạn biệt lập, dịch vụ khép kín công suất khá tốt, trên 50% với phân khúc chính là cặp đôi, nhóm gia đình nghỉ dưỡng 2-3 ngày để cân bằng, tái tạo sức khỏe.

Phân khúc khách đi xe máy cũng có nhưng chủ yếu là giới trẻ, linh hoạt lựa chọn nơi ăn nghỉ và tìm tòi những điểm check-in mới hoặc view thơ mộng, vắng người như khu Chí Linh-Cửa Lấp, mũi Nghinh Phong, Đèo nước Ngọt, đường tranh bích họa… nhờ được truyền cảm hứng từ mạng xã hội và các trang web đặt dịch vụ du lịch trực tuyến thông qua những bức ảnh đẹp, shot phim lãng mạn, những dòng tweet, status, bình luận tốt.

Du khách Dương Thị Thanh Thủy, đến từ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, trải qua dịch bệnh mới thấy quý sức khỏe và những phút giây sum họp, bình yên bên người thân. Đi du lịch xa giờ vẫn chưa phải lúc vì dịch bệnh vẫn còn nguy cơ phức tạp. BR-VT gần TP.Hồ Chí Minh, đi lại quá thuận tiện. “Các resort ven biển đẹp, dịch vụ cao cấp, chất lượng phục vụ tốt, môi trường trong lành tiếp thêm năng lượng tích cực tái tạo sức khỏe, nên chắc chắn BR-VT sẽ là địa chỉ nghỉ dưỡng thường xuyên của gia đình tôi đến khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi”, chị Thủy nói.

 

Kết nối xanh để phát triển bền vững

Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định 4 xu hướng chính hiện nay gồm: du lịch không chạm, du lịch tại chỗ, du lịch chăm sóc sức khỏe, hướng tới những nơi cô lập và ít được biết đến. Những xu hướng này sẽ phổ biến, ít nhất đến hết đại dịch. Do vậy, nơi nào có những tiềm năng và thế mạnh, sẵn sàng cung ứng những dịch vụ đáp ứng được 4 xu hướng trên sẽ có cơ hội hồi sinh hoạt động du lịch và phát triển du lịch bền vững.

Bốn xu thế du lịch được dự báo trên đây, chính là để thỏa mãn nhu cầu du lịch xanh của du khách trong bối cảnh hậu đại dịch. Giới chuyên gia du lịch nhận định, BR-VT có đầy đủ điều kiện và khả năng để thực hành du lịch xanh nhằm hồi sinh ngành du lịch và thúc đẩy kinh tế phục hồi. Vì thế, ngành du lịch của tỉnh nên chọn kết nối xanh để làm định hướng phát triển du lịch trong tương lai. Đó là sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Đông Nam Á Roland Berger - đơn vị chuyên về tư vấn quy hoạch đô thị - cho rằng những địa danh như: Hồ Tràm, Hồ Cốc, suối khoáng nóng Bình Châu... chính là những điểm đến xanh “mới nổi” nhưng có sức hút đặc biệt đối với du khách. “Hiện nay, các nước Đông Nam Á đã dần dỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế. Sau một thời gian dài ngừng du lịch vì dịch COVID-19, chắc chắn nhu cầu du lịch sẽ rất lớn. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, trong đó có BR-VT thu hút khách nghỉ dưỡng từ những quốc gia lân cận nghỉ dưỡng cuối tuần. BR-VT cần quảng bá thiên nhiên hoang sơ, bãi tắm đẹp, an toàn, thân thiện, những tiện ích dịch vụ cao cấp mạnh mẽ hơn nữa để khách quốc tế biết đến nhiều hơn”, ông Bùi Đào Thái Tường nói.

Bên cạnh đó, để phát triển các đô thị ven biển theo hướng bền vững, lâu dài cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho toàn bộ khu dân cư tập trung, KDL, cơ sở sản xuất. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, từ năng lượng sử dụng, hoạt động gieo trồng, phát điện, nấu nướng, nguồn nước sinh hoạt… đều được tận dụng, tái tạo từ tự nhiên, hạn chế tối đa tác động hóa học làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, kết hợp tuyên truyền, giáo dục tăng cường ý thức bảo vệ môi trường cho dân cư và du khách. “Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tăng khả năng thích ứng, chống chịu cho khu dân cư, tăng sức hút cho vùng đất và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe của con người”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nói.

Bài, ảnh: KIM VINH

;
.