Tại châu Âu, biến thể Omicron đang lây nhiễm nhanh, song nhiều quốc gia trong khu vực đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức. |
Đức là một trong số nước áp đặt những biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu, đồng thời cũng chậm hơn nhiều nước khác trong việc nới lỏng các hạn chế. Thế nhưng kể từ ngày 16/2, Đức tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình ba bước. Trong bước đầu tiên, các cuộc gặp gỡ cá nhân với những người đã tiêm hai mũi vắc xin phòng COVID-19 và đã khỏi bệnh sẽ không bị giới hạn số người tham dự.
Các cửa hàng bán lẻ dỡ bỏ mọi kiểm soát về y tế, không cần chứng minh đã tiêm vắc xin hay phải có giấy xét nghiệm âm tính, song vẫn phải đeo khẩu trang.
Trong giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ ngày 4/3, số người được tham gia các sự kiện ngoài trời tối đa tăng lên 25.000 người, trong khi các hộp đêm và các sự kiện lớn sẽ mở cửa cho những người đã tiêm 3 mũi vắc xin hoặc đã tiêm 2 mũi vắc xin hay đã khỏi COVID-19 kèm có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ở giai đoạn thứ ba, từ ngày 20/3, mọi biện pháp hạn chế lớn đều sẽ được dỡ bỏ nếu tình hình ở các bệnh viện cho phép. Bên cạnh đó, quy định làm việc tại nhà cũng được bãi bỏ.
Trước Đức, nhiều nước châu Âu khác như Đan Mạch, Thuỵ Sĩ và Áo thông báo cũng dỡ bỏ hầu hết các hạn chế. Cụ thể, Thủ tướng Áo Karl Nehammer thông báo từ ngày 5/3 sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế còn lại liên quan đến đại dịch COVID-19 như bỏ yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa trước nửa đêm và cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại.
Từ ngày 17/2, Thụy Sĩ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và trình các giấy chứng nhận liên quan đến COVID-19 tại các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm văn hóa, nơi công cộng và tại các sự kiện. Quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc và khuyến nghị làm việc từ xa cũng được dỡ bỏ.
Như vậy, người dân Thụy Sĩ sẽ chỉ còn phải tuân thủ quy định tự cách ly trong 5 ngày nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cùng với quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, các quy định này dự kiến chỉ kéo dài đến cuối tháng Ba.
Bắt đầu từ ngày 18/2, Chính phủ Hà Lan cho phép các cơ sở dịch vụ, giải trí mở cửa trở lại đến 1h sáng. Từ ngày 25/2, các cơ sở này sẽ hoạt động theo giờ giấc thông thường.
Na Uy cũng đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế trong tháng này, bao gồm bắt buộc làm việc từ xa, giới hạn phục vụ rượu và lệnh cấm các môn thể thao. Thụy Điển ngày 9/2 cũng bỏ gần hết quy định phòng dịch.
Đan Mạch đang thử nghiệm tiếp cận với đại dịch COVID-19 một cách táo bạo, thậm chí được đánh giá là khá mạo hiểm. Dù số ca mắc mới liên tục tăng, quốc gia này vẫn dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch khi có tỷ lệ tiêm chủng cao. Chính phủ nước này tuyên bố rằng dịch COVID-19 không còn được coi là một mối đe doạ nghiêm trọng và các biện pháp phòng dịch trên các phương tiện giao thông công cộng bị dỡ bỏ. Việc linh hoạt áp dụng và dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch của chính phủ Đan Mạch được người dân ủng hộ.
Ngày 22/2, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ký sắc lệnh mở rộng các quy định nhập cảnh đối với công dân các nước ngoài châu Âu. Theo đó, kể từ ngày 1/3, các quy định đã áp dụng với công dân thuộc các quốc gia châu Âu sẽ có hiệu lực với tất cả công dân ngoài châu Âu. Để nhập cảnh Italy chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện của Thẻ xanh cơ bản như: chứng nhận tiêm ngừa COVID-19, chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính. Với những du khách chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm các loại vắc xin chưa được Liên minh châu Âu (EU) công nhận sẽ phải tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Quyết định được đưa ra ngay sau khi 27 quốc gia thành viên EU đề xuất dỡ bỏ hạn chế tạm thời với việc đi lại không cần thiết tới EU đối với những trường hợp đã tiêm vắc xin được EU hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, hay những trường hợp đã khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày trước chuyến đi.
Quyết định được xem là biện pháp nhằm thúc đẩy du lịch, một phần trong tiến trình mở của trở lại mà Thủ tướng Italy Mario Draghi đưa ra. Đến ngày 31/3, Italy kết thúc tình trạng khẩn cấp.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)