Lạc bước giữa rừng cao su mùa thay lá
Những rừng cao su trải dài đẹp như một bức tranh sống động, bên đỏ rực, bên đã lún phún lá non, chỗ còn trơ thân cành khẳng khiu… Những ngày này có dịp đi qua địa bàn huyện Châu Đức, Xuyên Mộc chắc hẳn ai cũng ngỡ ngàng trầm trồ bởi những rừng cao su bạt ngàn 3 màu lá thơ mộng chẳng khác gì phong cảnh châu Âu.
Nhiều cặp đôi chọn rừng cao su để chụp ảnh cưới. |
Cây cao su có xuất xứ từ Nam Mỹ, chủ yếu mọc ở rừng Amazon. Từ rất xa xưa, những thổ dân Mainas sinh sống ở đây đã biết lấy nhựa của thân cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, hay tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Thổ ngữ Mainas gọi chất nhựa này là caouchouk, có nghĩa là “nước mắt của cây”.
Đẹp nao lòng con đường băng qua rừng cao su Cù Bị. |
Cây cao su được người Pháp đưa vào trồng ở nước ta lần đầu tiên năm 1878 nhưng không thành công. Sau nhiều lần thử nghiệm, đến năm 1897, cây cao su chính thức hiện diện tại Việt Nam. Hiện tại, vùng Đông Nam Bộ là khu vực có diện tích trồng cao su lớn nhất nước, bao gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và BR-VT.
“Trên đường về Đá Bạc thăm người thân, tôi bị “đốn tim” bởi khung cảnh nên thơ ấy và dừng lại chụp ảnh kỷ niệm”, chị Song Thảo (TP.Vũng Tàu) chia sẻ. |
Tại BR-VT, cây cao su phân bổ chủ yếu ở huyện Châu Đức và Xuyên Mộc với tổng diện tích hơn 20.700ha. Sau nhiều năm mất giá, hiện nay giá cao su đang tăng dần, thị trường xuất khẩu rộng mở hơn. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cao su của BR-VT đạt 7,16 triệu USD, tăng 53,93% so với năm 2020. Dự báo giá cao su sẽ tiếp tục khả quan khi kinh tế thế giới đang dần phục hồi là tín hiệu đáng mừng cho ngành cao su.
Sắc màu hòa quyện trên những tán cao su. |
Ngoài giá trị về kinh tế, những rừng cao su bạt ngàn tại BR-VT còn tạo nên nét đẹp riêng về cảnh quan tự nhiên, trở thành nơi tham quan, ngoạn cảnh, chụp ảnh tương tác trên mạng xã hội của người dân và du khách. Khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau khi cao su vào mùa thay lá, màu lá đỏ, màu nắng vàng, màu đất nâu đỏ, màu xanh lá non hòa quyện, nhìn từ xa các sắc màu như hòa vào nhau, mênh mông và thẳm sâu. Sắc màu rừng cao su giúp ta cảm nhận rõ nhất khúc ca giao mùa vào xuân của đất trời phương nam.
Các tuyến đường băng rừng cao su đã được thảm nhựa. Để có bộ ảnh đẹp, du khách chú ý canh thời tiết ánh nắm sớm, khi mặt trời lên hoặc khoảng 15-16h trước lúc mặt trời lặn. |
Vũng Tàu Chủ nhật trân trọng giới thiệu những khoảng khắc đẹp ghi được tại các cánh rừng cao su thuộc huyện Châu Đức.
KIM VINH
(Thực hiện)