Từ ngày 10/12, UBND tỉnh cho phép nhiều hoạt động kinh doanh được mở trở lại căn cứ theo cấp độ dịch, trong đó có dịch vụ lưu trú du lịch. Đa phần các khách sạn phấn khởi và đang hoàn thiện phương án phòng, chống dịch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để sớm đón khách trở lại.
Đường Thùy Vân vắng lặng trong buối sáng 10/12. |
Chưa vội đón khách
Sáng 10/12, khối dịch vụ lưu trú trên toàn tỉnh được mở cửa trở lại theo công văn số 202/KH-UBND về kế hoạch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của UBND tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn đều chung một không khí trầm lắng do vẫn là ngày làm việc cuối tuần. Dù vậy, cán bộ quản lý và nhân viên các resort, khách sạn đều phấn khởi và đang chuẩn bị chu đáo để đón khách trở lại.
Tại khách sạn Milan Corner Hotel (B36, Thái Văn Lung, khu Á Châu, phường 2, TP. Vũng Tàu), từ sáng sớm nhân viên lễ tân đã đến dọn dẹp, chỉnh trang sảnh đón tiếp, đặt thêm dung dịch sát khuẩn. Bộ phận kinh doanh bắt tay xây dựng kế hoạch quảng bá, mở lại kênh bán phòng qua mạng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc Milan Hotel Group cho biết, DN đang kinh doanh 4 khách sạn, căn hộ với 60 phòng. Vài ngày qua, khi báo chí đăng tải thông tin BR-VT sẽ mở cửa trở lại hoạt động du lịch, khách sạn đã tiếp nhận nhiều cuộc gọi đặt phòng. Tuy nhiên, khách sạn quy định chỉ nhận khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi nhận phòng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng. Một số khách khi nghe điều kiện xét nghiệm COVID-19 không đặt phòng nữa, nhưng cũng có khách vui vẻ đồng ý. “Khách sạn cũng bán giá kích cầu, chỉ từ 250 đến 300 ngàn đồng/phòng. Hiện nay, khách sạn đã nhận được một số yêu cầu đặt phòng cho những ngày tới. Đây là dấu hiệu khả quan cho sự phục hồi ngành du lịch dịch vụ trong thời gian tới”, bà Lan nói.
Lan Rừng Phước Hải Resort cũng bắt đầu khởi động lại bộ máy nhân sự, kết nối khách hàng và hoàn thiện phương án phòng chống dịch theo hướng dẫn từ chính quyền địa phương. Bà Đồng Thị Thu Hồng, Giám đốc Kinh doanh Lan Rừng Phước Hải Resort cho hay, toàn bộ nhân viên resort đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Trong hơn 7 tháng đóng cửa phòng dịch, khâu duy tu, bảo dưỡng thiết bị, chăm sóc khuôn viên cảnh quan được duy trì đều đặn. Những ngày vừa qua nhiều đối tác cũng đặt dịch vụ trở lại nhưng đơn vị chưa vội mở cửa ngay mà ấn định ngày 15/12 mới bắt đầu đón khách.
Ghi nhận tại các trung tâm du lịch trên toàn tỉnh như: Bãi Sau, Bãi Trước, Long Hải, Phước Hải… đều vắng vẻ trong ngày đầu mở cửa trở lại. Các khu, điểm du lịch đều tập trung chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh môi trường và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách. Các khách sạn cũng dự báo trong những ngày tới sẽ có khách nhưng không đáng kể vì tâm lý e dè của du khách trước thực tế dịch COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn.
Một quán cà phê trên đường Hạ Long (TP. Vũng Tàu) sắp xếp lại cây cảnh làm đẹp mặt tiền trong ngày đầu mở cửa. |
Nêu cao trách nhiệm phòng dịch của cơ sở kinh doanh
Kế hoạch 202/KH-UBND của UBND tỉnh hướng dẫn điều kiện chính để cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động là 100% người tham gia quy trình phục vụ và khách đến đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19 hay có xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực. Các cơ sở phải xây dựng phương án hoạt động cụ thể thích ứng với từng cấp độ dịch tại địa phương. Phương án này phải được UBND cấp huyện phê duyệt để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng VH-TT TP. Vũng Tàu cho biết, UBND TP. Vũng Tàu thống nhất phân cấp cho xã, phường kiểm soát phương án và xác nhận cam kết phòng dịch của hộ kinh doanh. UBND TP. Vũng Tàu ủy quyền cho Phòng VH-TT duyệt phương án phòng dịch của các cơ sở đăng ký pháp nhân là công ty.
2 ngày qua, Phòng VH-TT đã nhận được gần 60 phương án và cam kết phòng dịch của các DN. Qua xem xét phương án phòng dịch của các DN, nhiều DN làm theo mẫu chung, chưa cụ thể hóa từng yêu cầu về phòng cách ly tạm thời, tách khu vực đón khách, khi có F0 sẽ xử trí ra sao, bố trí khu vực sát khuẩn ở đâu… dựa vào thực tế của cơ sở. “Phòng VH-TT đã trả lại, hướng dẫn để DN làm cụ thể, trách nhiệm hơn với mục đích ngăn nguy cơ dịch xâm nhiễm, bảo vệ an toàn cho chính DN, cho du khách, đồng thời góp thêm hiệu quả cho công tác phòng chống dịch của địa phương”, ông Trần Bá Việt nói.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Địa chỉ: Số 33, đường 3/2, phường 8, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điện thoại: (0254). 3573082.
Email: xtdttmdl@baria-vungtau.gov.vn.
Website: www.bariavungtautourism.com.vn.
Fanpage: Ba Ria - Vung Tau Welcomes you.
Sàn TMĐTDL: https://dulichbariavungtau.com.
|
Cũng theo hướng dẫn tại Kế hoạch 202/KH-UBND, khách sạn, nhà nghỉ, hoạt động tham quan, du lịch ở vùng cấp độ dịch 1, 2 được hoạt động bình thường; cấp độ 3 sẽ hoạt động hạn chế theo văn bản của địa phương và cấp 4 ngừng hoạt động. Các DN cho rằng việc quy định cấp độ dịch áp dụng vào kinh doanh du lịch không hợp lý. Các khách sạn kiến nghị chỉ nên quy định đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19 hay có xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực đối với du khách. Còn đối với DN, chỉ cần có phương án phòng dịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là đủ, không cần quy định cấp độ dịch. Vì nếu ở vùng cấp độ 1, 2 nhưng DN lơ là, không chấp hành nghiêm phòng dịch thì cũng không đảm bảo.
Về vấn đề trên, ông Trần Bá Việt cho hay, cấp độ dịch toàn tỉnh đang được ngành y tế đánh giá theo tuần. Tình hình dịch trong thời điểm này còn rất phức tạp, số ca mắc vẫn cao. Nhà nước phải kiểm soát cấp độ dịch để chủ động trong điều trị, khám chữa bệnh. Du khách trong quá trình du lịch nếu dương tính sẽ phải chữa trị tại nơi đến, kéo theo phát sinh về chi phí và nhiều vấn đề khác nữa, nên cần phải chặt chẽ trong thời điểm này. “DN phải cập nhật bản đồ dịch tễ thường xuyên và tiên liệu trước tình hình để cân đối kế hoạch kinh doanh, nhận khách phù hợp với cấp độ dịch”, ông Việt nói.
Bài, ảnh: NGỌC THÚY