.

Indonesia nỗ lực khôi phục ngành du lịch đảo Bali

Cập nhật: 19:54, 15/10/2021 (GMT+7)

Từ hòn đảo thiên đường, sự xuất hiện của biến thể Delta đã đẩy Bali - một trong những trung tâm du lịch giàu có nhất của đất nước Indonesia vào cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.  

Đảo Bali thu hút 6 triệu lượt khách quốc tế năm 2019.
Đảo Bali thu hút 6 triệu lượt khách quốc tế năm 2019.

Từ đảo thiên đường

Bali sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất giá trị. Bãi biển, núi lửa ruộng bậc thang, lễ hội, trải nghiệm cuộc sống và văn hóa của cư dân bản địa trong các làng nghề đều có tại Bali.

Đảo Bali được bao quanh bởi các rạn san hô. Ngoài ra, hệ động thực vật ở đây cũng đa dạng và phổ biến, nhất là hoa dâm bụt, hoa nhài và hoa loa kèn nước, hoa mộc lan, hoa sứ và nhiều loại hoa lan. Thế giới tự nhiên tại Bali còn nhiều động vật hoang dã với sự tồn tại của nhiều loài khỉ, cầy hương, hươu sủa và hươu chuột. Có 300 loài chim chiếm giữ hòn đảo bao gồm chim hoang dã, chim bói cá xanh, đại bàng biển, chim nhạn, diệc trắng và chim bồ câu, chim én, chim sẻ. Bali đã được ghi nhận là một trong những nơi có thế giới sinh vật biển tốt nhất với nhiều loài khác nhau như cá heo, cá mập, cá mặt trời, cá san bô, lươn moray… Đây là điểm thu hút khách tham gia các hoạt động lặn biển để ngắm san hô và các loài sinh vật biển.

Hòn đảo này cũng có những ruộng bậc thang xanh mướt trải dài khắp sườn núi với nền văn minh lúa nước rất độc đáo. Nổi bật là ruộng bậc thang nằm ở phía Bắc làng Tegalalang. Đây là điểm đến tuyệt vời mà hầu hết du khách đến Bali đều muốn tham quan.

Nơi đây cũng sở hữu hơn 20.000 ngôi đền uy nghiêm cổ kính lớn nhỏ của văn hóa Hindu giáo nên được mệnh danh là “Xứ sở vạn ngôi đền”. Vẻ đẹp và câu chuyện ngàn năm từ những ngôi đền cũng chính là niềm tự hào của người Bali. Một số ngôi đền thu hút nhiều du khách như: Pura Ulun Danu Bratan, Tanah Lot, Tirta Empul, Uluwatu, Lempuyang… là những điểm đến hấp dẫn tại Bali. Những lễ hội văn hóa truyền thống ở Bali diễn ra hằng năm và gắn liền với cuộc sống của người dân trên hòn đảo này. Trong đó, lễ hội quan trọng nhất là Galungan.

Bali còn là nơi diễn ra lễ hội thả diều quốc tế, được tổ chức vào tháng 7 hàng năm tại bãi biển Sanur. Ngoài ra, Lễ hội Spirit Bali, Lễ hội ẩm thực Ubud… cũng không kém phần đặc sắc. Bali cũng bảo tồn rất tốt các làng nghề truyền thống. Dọc các tuyến đường trên đảo các xưởng chế tác, điêu khắc và phòng trưng bày đồ mỹ nghệ, bạc, đá san sát nhau để du khách tham quan, khám phá, mua sắm.  

Ẩm thực Bali mang đậm bản sắc văn hóa đạo Hồi nhưng lại ảnh hưởng văn hóa Hindu giáo và được hòa quyện cùng các nguyên liệu đa dạng bản địa tạo nên nhiều món ngon đậm đà hương vị.

Nhắc tới Bali, không thể không nói đến những điệu múa cổ truyền của người dân đảo Bali đó là barong, người dân bản địa rất chuyên nghiệp khi đóng vai quỷ thần, công chúa, chiến binh trên những sân khấu được dàn dựng công phu, sống động và rực rỡ màu sắc giữa khung cảnh tuyệt đẹp của những ngôi đền cổ linh thiêng. 

Bali đặt con người vào vị trí trọng tâm cho mọi kế hoạch bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch. Đó là lý do vì sao lượng khách quốc tế đến hòn đảo này từ năm 2017 đến năm 2019 liên tục tăng.

Ruộng bậc thang phía Bắc làng Tegalalang là diểm đến thu hút khách tham quan tại Bali.
Ruộng bậc thang phía Bắc làng Tegalalang là diểm đến thu hút khách tham quan tại Bali.

Nỗ lực phục hồi du lịch

Tuy nhiên, Bali cũng chứng kiến suy thoái kinh tế khi ngành du lịch sụp đổ đột ngột và kéo dài do COVID-19. Từ thu hút hơn 6 triệu du khách vào năm 2019. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Bali trở nên vắng vẻ. Nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và treo biển cho thuê lại. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Bali giảm 79% và khách nội địa giảm 66%. Kể từ tháng 3/2020, lượng khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không giảm từ khoảng 15.000 lượt/tuần xuống gần không. Tác động kinh tế tổng thể là từ mức tăng trưởng hơn 5% hằng năm xuống âm 10%. Kể từ khi ngừng hoạt động một phần vào tháng 7/2021, thêm 3.500 nhân viên khách sạn ở Bali đã bị sa thải, nhiều khách sạn và nhà hàng đang bị rao bán. Nhiều người dân đã không có thu nhập trong hơn 1 năm.

Chính phủ Indonesia trước đây ưu tiên phát triển kinh tế, nhưng cuối cùng đã phải áp đặt các hạn chế hoạt động cộng đồng. Trước thời điểm đỉnh dịch tháng 7/2021,  đảo Bali vẫn mở cửa đón khách nội địa, nhưng du khách từ Java đến Bali có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, kế hoạch mở cửa hành lang du lịch không được thực hiện, dẫn đến sự đình trệ của nền kinh tế tại hòn đảo phụ thuộc vào du lịch này. Các quy định về y tế đã cản trở những nỗ lực cải thiện nền kinh tế tại đây. Các nghi lễ là một trong những nét đặc trưng của ngành du lịch Bali, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh việc tụ tập đông người khi hành lễ là trái với quy định giãn cách của chính phủ.

Sau đó, Chính phủ Indonesia đã tài trợ các nghi lễ lớn ở các ngôi đền nổi tiếng ở Bali để bảo vệ ngành du lịch trước những tác động của đại dịch và để Bali “trở lại bình thường”. Tiêm chủng cũng là một ưu tiên của chính phủ trong xử lý dịch bệnh. Indonesia vừa cán mốc tiêm 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, trở thành quốc gia đứng thứ năm thế giới về tổng số liều vắc xin đã được tiêm. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Indonesia đã giảm khoảng gần 30 lần, hiện trung bình 1.700 ca mới/ngày.

Với nhận định rằng COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022, chính phủ nước này đã xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu, chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Trước những rủi ro khi nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, Indonesia đã giảm sự phụ thuộc vào du lịch bằng cách phát triển các lĩnh vực khác như nông nghiệp, kinh tế sáng tạo, kinh tế kỹ thuật số và giáo dục. Đầu năm 2021, Chính phủ Indonesia đã khởi xướng kế hoạch cho 25% nhân viên của 7 bộ, ban ngành trở lại Bali và làm việc từ xa tại đây. Ngoài ra, chính phủ còn đưa ra kế hoạch cấp thị thực 5 năm cho những người làm tự do trong lĩnh vực kỹ thuật số để thu hút họ sinh sống làm việc lâu dài tại Bali.

Mới đây, ngày 14/10 Indonesia cho phép nối lại các chuyến bay quốc tế đến Bali nhằm từng bước mở cửa để đón du khách trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng này. Theo giới chức đảo Bali, khu du lịch vốn chịu thiệt hại nặng nề do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, du khách nước ngoài khi đến nghỉ dưỡng tại hòn đảo này cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin, cách ly tại khách sạn trong vòng 5 ngày và tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực theo quy định nhập cảnh mới đối với khách du lịch nước ngoài. 

Sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali đã mở cửa cho du khách đến từ 19 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và New Zealand. Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa trở lại một phần này không có du khách đến từ Australia, một trong những nguồn khách du lịch chính đến Bali vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. 

Giới chức Indonesia bắt đầu nới lỏng dần dần các biện pháp phong tỏa sau khi số ca nhiễm và tử vong theo ngày giảm trên toàn quốc nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp quốc, kế hoạch mở cửa trở lại là bước đầu tiến tới hồi sinh ngành du lịch với khả năng đóng góp 50% thu nhập cho hòn đảo này.

TRẦN PHƯƠNG

 (Tổng hợp)

.
.
.