Nhờ những kết quả khả quan từ chiến dịch tiêm chủng, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vì COVID-19, tập trung tái thiết các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, du lịch là một trong những ngành kinh tế được nhiều nước ưu tiên phục hồi và đang có nhiều triển vọng tích cực.
Các nước EU vẫn khuyến khích người dân và khách du lịch thực hiện 5K khi đi du lịch. |
Nhiều quốc gia tái khởi động ngành du lịch
Ngay khi dịch bệnh có xu hướng lắng dịu, nhiều quốc gia, khu vực đã nhanh chóng đưa ra các lộ trình đón khách du lịch an toàn, thích ứng với bối cảnh mới. Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), việc tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp “kích hoạt” quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Trong đó, việc mở cửa du lịch có liên quan mật thiết tới tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Tại những điểm đến có tỷ lệ tiêm chủng cao, nơi các quốc gia có thể thỏa thuận về các giao thức kết nối với nhau, thì du lịch đang dần được phục hồi. Còn các điểm đến có tỷ lệ tiêm chủng thấp, hoạt động du lịch bị giới hạn bởi những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Tổng thư ký UNWTO-Zurab Pololikashvili nhận định: “Các chính phủ giữ vai trò quan trọng nhất trong việc phục hồi du lịch, thông qua hợp tác, chia sẻ dữ liệu và các giải pháp số”.
Là một trong những khu vực mở cửa du lịch sớm nhất của thế giới, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và gia tăng sức hấp dẫn của các điểm đến. Đặc biệt, với việc ban hành chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19, du khách có thể di chuyển dễ dàng hơn giữa 27 quốc gia thành viên EU. Nhờ vậy, những điểm đến hàng đầu châu Âu như: Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland, Hy Lạp đều đã lần lượt mở cửa đón khách quốc tế. Hiện nhiều nước châu Âu đang vận hành một bản đồ linh hoạt với các mã màu, trong đó màu sắc thể hiện tình hình dịch bệnh mới nhất của từng quốc gia, cùng các biện pháp hạn chế tương ứng. Màu sắc được cập nhật thường xuyên giúp du khách chỉ cần đối chiếu vào bản đồ để đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng đã triển khai các mô hình đón khách an toàn trong bối cảnh dịch bệnh như: “hành lang du lịch tiêm chủng”, “hộp cát Phuket”... nhằm tái kết nối chuỗi liên kết lữ hành quốc tế. Đặc điểm chung của các mô hình này là tính linh hoạt cao, phát huy tối đa quyền lợi cho du khách đã tiêm chủng đầy đủ. Thêm vào đó, UNWTO cũng đã kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia về các nguyên tắc đi lại, nhằm bảo đảm quá trình tái khởi động du lịch toàn cầu diễn ra suôn sẻ.
Tín hiệu lạc quan
Với chiến lược mở cửa vào mùa hè cao điểm, nhiều nước châu Âu đã “phá băng” du lịch thành công. Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy, Hy Lạp là nơi ngành du lịch phục hồi tốt nhất tại EU, với lượng khách tháng 7 và tháng 8 vừa qua đạt 86% so với cùng kỳ của năm 2019. Ngoài ra, các điểm đến khác của châu Âu cũng ghi nhận sự hồi sinh lượng khách tích cực, như Cyprus (64,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (62%) và Iceland (61,8%). Trong đó, đứng đầu bảng thống kê mức độ phục hồi du lịch tại các thành phố du lịch châu Âu hè 2021 là thành phố nghỉ dưỡng biển Palma Mallorca (Tây Ban Nha) đạt 71,5% so với năm 2019 và Athens (Hy Lạp) với 70,2%.
Tại châu Á, Trung Quốc đang được coi là mô hình phục hồi ngành du lịch hiệu quả, dù vẫn đóng cửa với khách nước ngoài. Tính đến cuối tháng 9, công suất sử dụng phòng khách sạn và lượng hành khách bay nội địa tại nước này đạt 90% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tại Thái Lan, sau 2 tháng triển khai “hộp cát Phuket”, hòn đảo thiên đường này đã đón khoảng 26.400 du khách nước ngoài, mang lại doanh thu hơn 1,6 tỉ baht. Còn tại Malaysia, chỉ trong vòng một tuần thí điểm mở cửa trở lại, hòn đảo nổi tiếng Langkawi đã thu hút được 12.607 du khách. Malaysia đặt mục tiêu đón 30.000 khách du lịch tới Langkawi trong tháng 9 và tới cuối năm 2021 đón tổng cộng khoảng 200.000 du khách.
Theo Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ khởi động lại du lịch một cách an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế. Sự hồi sinh ngành công nghiệp không khói cũng chính là lực đẩy quan trọng để các nước phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)